Lưu Vỹ Bửu
Người đời vẫn quen gọi những cái đã qua là ký ức. Nghĩa là những chuyện chỉ có thể hoài niệm, để tưởng tiếc và để bổ sung vào những
thiếu sót ai cũng có trong cuộc làm người. Tôi cũng nghĩ vậy! Và hơn thế nữa, tôi được quá khứ nuôi dưỡng thật kỹ càng, giống như bà mẹ
chăm bẵm con mọn vậy. Ở đâu, làm việc gì tôi cũng thấy kỷ niệm hiển hiện, nối niêu (?) hiện tại. Hoặc, nhiều khi hiện tại lại dắt dẫn tôi
về quá khứ. Hoặc nó đan xen vào nhau đến độ tôi không nhận ra đâu là cái đã qua, đâu là cái trước mắt.
style="width:100%">
Dòng sông Tam Kỳ theo tôi một cách tự nhiên, trở thành vật thiêng, giống như những bảo vật khác. Nó chẳng khác gì một thứ bùa hộ mạng hay bùa mê để tôi luôn yêu vì, luôn nương tựa vào. Sau này, khi lớn lên, tôi hiểu sâu sắc rằng, tình yêu quê hương, yêu đất nước luôn phải xuất phát từ một điều gì đó cụ thể, nhỏ bé nhất từ thời ấu thơ.
Chính vì thế, khi có dịp ngắm dòng sông Cửu Long bao la, tôi nhớ về con sông nhỏ bé hiền hòa của quê mình, để tự dưng đem lòng yêu mến vùng đất miền Tây Nam Bộ phóng khoáng, màu mỡ và đầy nghĩa hiệp này. Cũng do đứng giữa sông Tiền, sông Hậu, nghe tiếng vọng cổ trôi bàng bạc trên dòng nước mênh mông, tôi nhớ lại những bài học sử địa từ tiểu học đến thời trung học. Nếu hồi lớp ba, lớp nhì các soeur dạy chúng tôi rằng: Bắc bộ có hai con sông lớn là Hồng Hà, Thái Bình; Nam bộ cũng có hai con sông lớn là Cửu Long và Ðồng Nai. Môn địa lý bậc tiểu học hồi đó không nhắc đến sông Tam Kỳ – ngay cả địa lý tự nhiên của Quảng Nam – cũng chẳng thấy dù chỉ một vài dòng. Ðơn giản là sông Tam Kỳ quá nhỏ bé, nhìn trên bản đồ chỉ thấy một sợi chỉ mỏng manh mà người vẽ lười biếng, uể oải đưa một nét chì xanh để minh họa. Ở bậc trung học, chúng tôi may mắn được học môn Sử Ðịa với thầy Vũ Huấn, một người thầy tuyệt vời bậc nhất của trường Trung học Trần Cao Vân, từ thời tôi học cho đến tận bây giờ. Thầy không chỉ dạy cho chúng tôi biết sông Cửu Long chảy ra biển bằng 9 cửa mà qua bài giảng của thầy, tôi có thể hình dung ra những giọt mồ hôi và cả máu đã đổ xuống vùng đất khẩn hoang của cư dân ngũ Quảng.
Tôi còn nhớ, khi ấy ngồi trên ghế nhà trường tại Tam Kỳ nhưng tôi hình dung ra những bước chân khai phá nặng nề, khỏe khoắn nhưng cũng đầy nhọc nhằn của những người dân nghèo phải chấp nhận tha phương cầu thực. Họ cần cù, lặng lẽ cam chịu nhưng trong lòng tràn đầy ước mơ về cuộc đổi đời. Chính thầy Huấn đã khai phá tâm hồn tôi (như những người dân đang khai phá đất mới – cày ải và gieo lên đó những mùa vui), giúp tôi yêu thêm về những chân trời xa lạ của đất nước mình mà chúng tôi chỉ biết tên qua những bài học.
Cảm giác đầu tiên khi đứng bên dòng sông Tiền là sự choáng ngợp. Nếu con sông Tam Kỳ nước xanh trong vắt thì sông Tiền, sông Hậu lại đục ngầu phù sa. Người ta nói, Cửu Long mang phù sa bồi đắp cho phương Nam mỡ màng, làm trù phú cho miền đất mới nhằm mở mang bờ cõi. Quả thật, trên đất nước ta, không vùng đất nào tốt tươi, sinh sôi nảy nở và mang lại sự giàu có bằng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, sau này, có dịp đi sâu hơn vào các vùng xa, tôi mới nhận ra một sự thật cay đắng ngỡ ngàng: đất đai ở đây cũng chỉ làm giàu cho những người có tiền của, chức tước, quyền hành. Nhiều căn nhà xiêu vẹo, tạm bợ đến độ không thể gọi là nhà khiến ai cũng nao lòng. Không ít người dân áo quần bệt dính bùn đen, quần quật trên cánh đồng đầy phèn, mong sống được qua ngày nào mừng ngày đó. Thế nhưng, tôi vẫn bắt gặp bên trong sự cam chịu, nhẫn nhục của họ một điều thật kỳ diệu: sức mạnh và sự lạc quan đến khôi hài. Họ nghèo túng nhưng không lấy đó làm ám ảnh. Họ đối đãi với khách không quen biết bằng tấm lòng Lục Vân Tiên, sẵn sàng vét hết những gì có được trong nhà để tiếp khách, chẳng chút lưỡng lự, phân vân.
Cảm giác ấy cũng diễn ra với tôi khi ở sông Hậu hay có lần đi qua U Minh Hạ, đứng bên dòng sông Trẹm để rồi lẩn thẩn, tự hỏi: Sao quê
mình nghèo quá vậy? Những con sông xanh trong chỉ vì không mang phù sa về với đồng ruộng. Nó đẹp nhưng nghèo. Nó có mặt trong thơ văn
nhưng không giúp nhiều cho bữa ăn của người dân, không giúp họ cơ hội đổi đời. Phải vậy chăng mà người dân miền Trung luôn khao khát học
tập, sẵn sàng hy sinh tất cả cho con cái được học tập vì đó là lối thoát gần như duy nhất để gia đình họ, con cái họ có thể thay đổi cảnh
đời! Có phải, trong sạch thì nghèo như con sông kia nước trong vắt thì có đâu phù sa, có đâu tôm cá? Nhưng, dẫu có mang nặng phù sa thì
cũng không phải ai cũng có thể nhờ cậy. Muôn đời, số phận những người bán mặt cho đất vẫn cứ thua thiệt, nhất là trong một xã hội mà thước
đo nhân phẩm, tư cách con người được tính bằng tiền, bằng những hư danh, phù vân.
Vậy mà khi đối diện với những con sông ở phía Bắc, tôi lại có cảm giác khác. Một cảm xúc vừa lãng mạn vừa bi tráng cứ dào dạt mãi. Một lần lang thang trên bờ sông Ðuống, câu thơ của Hoàng Cầm đọc từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, cứ duềnh lên chếnh choáng: “Em ơi, buồn làm chi. Anh sẽ đưa em về bên kia sông Ðuống…”. Tôi chẳng có cô em nào để dỗ dành. Tôi chỉ dỗ dành tôi thôi: Tôi ơi, buồn làm chi! Cũng chẳng có ai hứa đưa tôi về sông Ðuống (hay bất kỳ con sông nào khác, kể cả con sông Tam Kỳ yêu dấu) nhưng tôi vẫn cứ ngóng mong, vẫn cứ tha thiết có một ai đó, đứng cùng tôi, đi cùng tôi khắp trời đất này.
Một lần dừng chân ở Lào Cai, nơi con sông Hồng bắt đầu chảy vào Việt Nam, hay hôm ở Hà Giang rồi Tuyên Quang theo dấu sông Lô hoặc khi về thăm Kiếp Bạc, qua Lục Ðầu Giang, nơi gặp nhau của sông Thương, sông Cầu, sông Ðuống, sông Kinh Thầy, Lục Nam và sông Thái Bình tôi vốn đã bềnh bồng lại càng say bồng bềnh với những cung bậc của trái tim nhiều hơn tâm trạng sảng khoái của một người ngao du sơn thủy. Tôi không lý giải được và cũng xin đừng bắt tôi phải giải thích tại sao như vậy! Cảm xúc tự nhiên đến, tự nhiên đi như một điều giản dị, một điều phải vậy!
Có gì khác nhau giữa con sông Hồng ở Lào Cai với dòng sông Nho Quế ở Hà Giang? Sông Bạch Ðằng khác gì sông Thương, sông Cầu? Không có gì khác nhau về bản chất, về cấu tạo. Nhưng nó lại khác nhau về ý niệm con người, về bao điều nó lưu giữ, chất chứa trong dòng chảy. Ðừng nghĩ, nước trôi đi không bao giờ trở lại! Ðừng nghĩ, “sóng Trường Giang lớp sau đè lớp trước”! Dòng sông nào cũng có một phần hồn, một phần đời sống riêng mà chính cái riêng đó mới bất tử. Nước thì trôi nhưng hồn nước thì cứ ở mãi với con người…
Tôi may mắn được đi gần như khắp đất nước. Tôi được dịp ngắm nhìn những con sông được lịch sử ghi danh và cả những sông suối chẳng ai biết tên. Tất cả tạo nên một diện mạo tổ quốc. Tôi tin rằng, những con sông “vô danh tiểu tốt” đã góp phần chẳng kém gì các con sông danh tiếng lẫy lừng trong hành trình vẽ nên bản đồ Việt Nam. Thậm chí, tôi tin rằng, nếu không có những dòng sông nhỏ bé như Tam Kỳ chẳng hạn, thì chắc gì đã có được một cơ đồ hôm nay. Mỗi huân, huy chương gắn trên ngực người còn sống, có rất nhiều mồ hôi, xương máu của những người vô danh. Khi mỗi mái nhà, đêm đêm vẫn còn người trằn trọc với nỗi hoài mong đoàn viên thì dòng sông nào trên dãy đất này cuồn cuộn hay lặng lờ chảy ra biển cũng mang theo nỗi khắc khoải, chia sẻ cùng người.
LVB
From: https://baotreonline.com/van-hoc/ tap-ghi/nhung-dong-song.baotre