K24SQHQ.com Contact

Cây So Đũa

Posted by k24sqhq on November 19, 2020

Ảnh minh họa của cây So Đũa vi.wikipedia.org


Trong chi thực vật Sesbania ngoài cây Điên Điển còn có cây So Đũa, cũng rất quen thuộc với người dân nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hoa So Đũa được dùng làm thực phẩm trong các món ăn dân giã và cũng là một biểu tượng cho địa phương, cho dân ‘miệt vườn’, là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ..
Với nhạc sĩ Hà Phương, hoa So Đũa là biểu tượng cho lòng chung thủy, khi tác giả viết trong bài hát ‘ Bông so đũa trắng’:
‘ Thương bông so đũa trắng, sắt son chung vẹn lòng’ ;
Nhà thơ Nguyên Huy tình cảm hơn:
‘ Hai hàng cây so đũa
Lặng đứng nhìn xe qua
Lên thăm anh lần cuối
Hàng cây cũng nhạt nhòa..’
Lá So Đũa rất được dê ưa thich. Trong văn chương bình dân có những câu châm biếm khi nói ‘ nhà không có so đũa mà tại sao lại có nhiều dê đến thăm..?’ .Trong xe dê của truyện Tàu, lá được cung nữ dùng dụ dê là lá dâu (Tàu không trồng so đũa)
Tên khoa học và các tên gọi khác:
Sesbania grandifolia thuộc họ thực vật Fabaceae
Tên Anh-Mỹ: Swamp pea, Agati sesban, West Indian pea, Vegetable hummingbird tree,
Pháp: Fayotier, Sesbane grandiflore, Colbi végétal, Pois valette
Tây ban Nha: Zapaton blanco, baculo, cresta de gallo
Philippine: Katuray. Trung Hoa: Da hua tian-jing; Khmer: pka angkea dey; Thái: khae
Ấn Độ: Agasti, basna (Hindi), Akatthi (Tamil), Agati (Phạn), Bagphal (Bengal)

Đặc tinh thực vật:
Cây thuộc loại tiểu mộc, mọc rất nhanh, cao 8-10 m. Thân đường kính đến 25 cm, cành mảnh, nhẵn. Vỏ màu xám nhạt, tiết ra mủ màu đỏ, chuyển sang màu đen khi tiếp xúc với không khí. Gỗ trắng, mềm. Lá kép hình lông chim, mọc so le, gồm 20-25 đôi lá chét hình bầu dục thuôn, dài 3-4 cm, rộng 1-1.5 cm, gốc và đầu tròn; các lá chét ở giữa lớn hơn các lá chét ở gốc; hai mặt nhẵn, gần như cùng màu lục nhạt.
Hoa mọc thành chùm ở nách lá, chùm ngắn thòng xuống, dài 4-7 cm. Hoa to, tụ thành nhóm 2-3 hoa, cỡ 9-0 cm, màu trắng hay hồng nhạt. Đài hoa hình chuông, có khía, chia thành 2-3 thùy. Đáy ống tiểu nhụy tiết ra nhiều mật.
(Chủng trồng Sesbania grandifolia var. coccinea cho hoa màu đỏ)
Quả dài 30-40 cm, rộng 7-8 mm, hình dạng giống chiếc đũa, bề ngang hẹp, dẹp lại ở khoảng cách giữa hai hạt. Gốc quả thót lại, đầu quả thuôn nhọn. Quả chứa 15-30 hạt.
Hạt hình thận dài 0.5 cm, màu nâu, dẹt. 1 kg hạt chứa khoảng 17- 30 ngàn hạt.
Cây trổ hoa vào khoảng các tháng 9-10
So Đũa được cho là có nguồn gốc tại vùng lục điạ Ấn Độ-Mã Lai. Cây được trồng rất nhiều tại Đông Nam Á (Việt, Miên, Lào) Thái Lan Mã Lai, Indonesia, Úc..Tại lục điạ Mỹ Châu, cây có tại Nam Mexico xuống đến vùng Trung và Nam Mỹ
Tại Việt Nam, cây chỉ gặp trong vùng phía Nam, từ Phú Yên trở xuống, rất phổ biến trong những vùng Đông và Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Hoa Kỳ, cây có mặt trong vùng Nam Florida.
So Đũa được xem là một loài cây chỉ thích hợp vơi khi hậu nhiệt đới, không chịu được giá lạnh, nhiệt độ dưới 10 độ C. Tuy nhiên cây chịu được nước tù đọng, và sống được tại những vùng nước lụt theo mùa, và cả những vùng nước lợ. So Đũa phát triển tốt tại những vùng có lượng nước mưa nhiều..

Thành phần hoá học và dinh dưỡng:
– Thành phần hóa học:
Lá chứa
– Pectin 1.5 %
– Saponins
– Đường hữu cơ: galactose, rhamnose
– Hợp chất loại alcohol: Gradiflorol
– Hạt chứa:
– Saponins
– Sesbanimide
– Sắc tố: leucocyanidin, cyanidin..
– Dầu béo: trong có tocopherol (250mg/100g) và các phytosterols như beta-sitosterol
– Hoa chứa:
– Flavonoids: Kaempferol, kaempferol-3-rutoside, rutin
– Oleanolic acid và chât chuyển hóa methyl ester.
– Tannins
– Hợp chất ức chế Alpha-glucosidase: SGF 60 và SGF 90
– Quả chứa:
– Glucosides
– T annins và các hợp chất phenolic
– Phytosterols
– Dầu béo
– Vỏ thân và cành chứa các galactomannan, linoleic acid, beta-sitosterol và carbohydrates.
Thành phần dinh dưỡng:
Có nhiều nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng của từng bộ phận của So Đũa:
Theo James Duke trong Handbook of Energy Crops (1983):
(Các số liệu này cũng được dùng trong Cây Thuốc và Động Vật Làm Thuốc tại VN, Tập ii trang 741-Viện Dược Liệu VN)
100 gram lá (tươi) So Đũa có:
– Nước: 73.1 g
– Chất đạm: 8.4 g
– Chất béo: 1.4 g
– Chất sơ: 2.2 g
– Tro: 3.3 g . Khoáng chất: Calcium 1, 130 mg
Phosphorus 80 mg
Sắt 3.9 mg
– Vitamin: A (9000 IU); B1 (0.21 mg); Riboflavin (0.09 mg)
Niacin (1.2 mg); C (169mg)
– 100 gram lá khô hoàn toàn (Zero Moisture Basis=ZMB) chứa:
– Calories: 321
– Chất đạm (36.3 g); Chất béo (7.5g); Carbohydrate (47.1g)
– Tro (9.2 g): Calcium (1684 mg); Phosphorus (21mg);
Sodium (21 mg); Potassium (2005mg)
-Vitamin: A (25,600 microgram beta-carotene); B1 (1mg)
Riboflavine (1.04 mg); Niacin (9.17 mg)
– 100 gram hoa khô hoàn toàn (ZMB)
– Calories: 345
– Chất đạm (14.5 g); Chất béo (3.6 g); Carbohydrate (77.3 g)
Chất sơ (10.9 g)
– Tro (4.5 g): Calcium (145mg), Phosphorus (290 mg), Sắt
(5.4 mg), Sodium (291 mg), Potassium (1400 mg)
– Vitamin: A (636 microgram beta-carotene), B1 (0.91 mg)
Riboflavine (0.72 mg), Niacin (14.59 mg), C (473 mg)
Hạt (ZMB) chứa: Chất đạm thô (36.5 %), Chất béo (7.4%)
Carbohydrate tổng cộng (51.6 %), Tro (4.5 %)
Thành phần acid bêo trong dầu ép từ hạt: palmitic (12.3%)
stearic (5.2 %), oleic (26.2 %), linoleic (53.4 %)
So Đũa dùng làm thực phẩm cho gia súc:
– Tại vùng Bắc Thái Lan, lá So Đũa được dùng làm chât độn, trộn vào rơm rạ để nuôi bò.
Đa số các nghiên cứu nông nghiệp xác định lượng chất đạm thô trong lá So Đũa chiếm khoảng 20-25 %. Khả năng tiêu hóa chất khô của lá So Đũa, khi cho thú vật ăn khoảng 66 % . Lá so đũa được dùng làm chất độn, pha trộn thêm khoảng 25 % trong thực phẩm để nuôi thú nhai lại. Khi dùng để nuôi dê, trừu tỷ lệ tiêu hóa của lá được xác định như sau:
– Chất đạm thô 74 %
– Chất béo thô 37 %
Cũng như Điên điển, lá So Đũa không thích hợp để nuôi gà, vịt..
Những nghiên cứu dược học về So Đũa:
Đa số các nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ.
Khả năng bảo vệ cơ thể chống lại các tác hại gây ra bởi hút thuốc:
Các thử nghiệm trên chuột ghi nhận nước chiết từ lá So Đũa có thễ giúp cơ thể giới hạn được các phản ứng oxy-hóa của thuốc lá gây tác hại nơi gan và thận (Journal of Medicinal Food Số 11-2008).
Hoạt tính kháng sinh:
Nghiên cứu tại ĐH Dược Sri Sai, Punjab (Ấn Độ) ghi nhận dịch chiết từ lá và vỏ của cành non có những hoạt tính kháng sinh trên các vi khuẩn Escherichia coli, Bacillus subtilis, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus.. Dịch chiết từ vỏ mạnh hơn từ lá, và khả năng diệt khuẩn ( khi dùng nồng độ 250mg/ ml) cao nhất ( vùng ức chế sinh trưởng trên thạch: đường kinh13.2 mm) đối với E. coli và thấp nhất là trên Pseudomonas (27.1 mm). Nồng độ tối thiểu để có hoạt tính ức chế (MIC=Minimum Inhibitory Concentration) đối với E. coli được xác định là 75.0 mg/ml và tối đa đối vơi P. aerug inosa là 50mg/ml. (International Research Journal of Pharmacy Số 2-2011)
Một nghiên cứu khác tại ĐH Calcutta (Ấn Độ) ghi nhận dịch chiết từ hoa So Đũa, phần chứa các polyphenol có hoạt tính kháng sinh chông cac vi khuẩn Staphylococcus aureus, Shigella flexneri 2a, Salmonella typhii, E. coli và Vibrio cholerae: S. aureus mẫn cảm nhất (MIC= 0.013mg/mL) trong khi đó MIC cao nhất (0.25mg/mL) đối với V. cholerae. Mặt khác các polyphenol này còn giúp làm gia tăng sự tăng trưởng của vi khuẩn tạo men Lactobacillus acidophilus (Microbiology Research Số 12-2012)
Dịch chiết bằng methanol từ hoa So Đũa có khả năng làm tăng thêm hoạt tính diệt khuẩn của Oxytetrac ycline trên một số vi khuẩn. Hoạt tính cộng hưởng mạnh nhất khi thử trên Shigella boydii (Pharmacologyonline Sổ-2008)
Hoạt tinh chống ung thư:
Một phân đoạn protein trích từ hoa So Đũa SF2 có hoạt tính chống sự phát triển của các tế bào ung thư (ascite tumor, loại Dalton lyphoma) của chuột và một số giòng tề bào ung thư ruột già (SW-480) nơi người. SF-2 cũng tạo phản ứng apoptosis bằng tác động chống lại các yếu tố đối kháng apoptosis như Bel-2, p-Akt và cyclogenase-2 (các yếu tố này do PMA (phorbol myristate acetate) tạo ra để giúp các tế bào ung thư phát triển. Ngoài ra các nghiên cứu độc chất cho thấy SF-2 khá an toàn khi thử nghiệm để có thể sử dụng như một chất bổ sung dùng thêm khi bệnh nhân được điều trị ung thư bằng hóa chất trị liệu (chemotherapy) (Journal of Cellular and Molecular Medicine Số 14-2010)
Nghiên cứu tại ĐH Khoa Học, NUS, Singapore ghi nhận dịch chiết bằng ethanol từ hoa So Đũa có hoạt tính chống sự phát triển của tế bào ung thư loại Ehrlich ascites carcinoma nơi chuột lang (Swiss albino): làm teo bươu u, giảm trọng lượng bướu, thay đổi các số liệu khi đếm các tế bào máu và làm kéo dài thêm thời gian sinh tồn cho chuột. Hoạt tinh được xem là có thể so sánh với 5-Fluorouracil (Journal of Ethnopharmacology Số 134-2011)
Hoạt tính bảo vệ gan:
Nghiên cứu tại ĐH Dược N.E.T, Raichur (Ấn Độ) ghi nhận dịch chiết từ quả So Đũa có hoạt tính bảo vệ và tái tạo tế bào gan nơi chuột thử nghiệm bị gây hư gan do ethanol. Chuột được cho dùng dịch chiết quả so đũa bằng petroleum ether trong 25 ngày liên tục với nhiều liều lượng khác nhau. Chất được dùng làm đối chứng là Silymarin 100 mg/kg . Các thông số kỹ thuật để kiểm soát gồm cân, đo trọng lượng gan, định lượng các men SGOT, SGPT, ALP, Bilirubin, Quan sát sinh thiết tế bào gan. Liều tối ưu được xác định là 400mg/kg qua cách uống (Pharmacologyonline Số 3-2010).
Nghiên cứu tại ĐH Khoa Học Annamalai, Tamilnadu (Ấn Độ) cũng ghi nhận khả năng bảo vệ gan của dịch chiết từ lá So Đũa bằng ethanol (200 mg/kg/ngày, trong 15 ngày) khi thử trên chuột bị gây hư gan bằng erythromycin estolate. Hoạt tính này được so sánh với Silymarin (Therapie Số 58-2003)
Hoạt tính chống sưng:
Dịch chiết từ vỏ thân So Đũa và Điên Điển đã được dùng để thử nghiệm về khả năng chống sưng trên chuột bị gây sưng và phù nơi chân bằng carrageenan, và trên chuột bị gây sưng xương khớp. Kết quả ghi nhận nồng độ cao Nitric oxide (NO) trong dịch chiết có thể ngăn chặn các đáp ứng ban đầu của hệ miễn nhiễm của chuột khi bị chích carrageenan..giúp chặn sự sưng phù. (Pharma Science Monitor Số 1-2010)
Khả năng giải trừ âu lo và chống co giật:
Dựa theo truyền thống dân gian Ấn Độ dùng lá So Đũa để trị kinh phong, các nhà khoa học tại ĐH Dược Nashik (Ấn) đã thử nghiệm dùng dịch chiết bằng các dung môi khác nhau từ lá So Đũa để trị kinh phong nơi chuột bị gây phong-giật bằng pentylenetetrazol (PTZ) và strychnine, cho điện giật. Kết quả ghi nhận phần chiết bằng benzene ethyl acetate= BE (chứa triterpene) co khả năng ức chế sự co giật gây ra nơi chuột do điện, và tình trạng kinh phong nơi chuột bị gây kinh phong do lithium-pilocarpine, kéo dài giấc ngủ tạo ra do pentobarbital và chống lại tác động của D-amphetamine. Chuột cho dùng BE có khuynh hướng hoạt động nơi vùng trống trong test mê lộ, chứng tỏ khả năng giải trừ âu lo; BE giúp tăng mức acid gamma-aminobutyric và serotonine trong óc.(Phytotherapy Research Số 16-2002)
Khả năng giúp làm lành vết thương:
Dịch chiết từ lá và hoa đã được dùng tại Ấn Độ để làm thuốc mỡ (ointment) thoa trị các bệnh ngoài da giúp làm vết thương mau lành, tăng độ căng của da nơi thoa thuốc. Khả năng này được cho là do các tannins trong lá và hoa. ĐH Dược Kala Nikaten Polytechnic đã bào chế một chế phẩm dạng gel chứa dịch chiết từ lá So Đũa bằng ethyl acetate, trong tá dược làm bằng glycerin, methylparaben, carbopol 934, sodium CMC. (Acta Chimica & Pharmaceutica Indica Số 2-2012)

Liều gây độc:
Các liều gây độc của dịch chiết từ hoa được xác định (liều LD50) (International Journal of Biomedical and Advance Research)
Chiết bằng methanol 99 %: 20-40 mg/kg
methanol 70 %: 100-200 mg/kg
nước: 250-500 mg/ kg

So Đũa trong Dược học dân gian:
Lá, hoa, vỏ thân và nhựa So Đũa được dùng làm thuốc ‘dân tộc’ tại nhiều quốc gia Á Châu nhất là tại Ấn Độ (trong dược học Ayurvedic)
Nuớc ép từ rễ, trộn với mật ong dùng hạ đàm, trị ho.
Nước sắc tử vỏ dùng cầm máu, thoa trị mụn rôn sẩy, mụn trái rạ; uống để gây môn mửa.
Tại Ân Độ:
Toàn cây dùng trị sạn thận. Nước sắc từ hoa dùng trị nhức đầu, sổ mũi., kinh phong..Vỏ thân và cành, sắc, dùng uống làm thuốc bổ, thuốc trị tiêu chảy; dùng thoa ngoài da làm chất chát, thu liễm trị mụn trái rạ, vết lở trong miệng, mụn ghẻ. Quả dùng trị vàng da, đau bụng. Lá trị kinh phong, làm thuốc bổ, nhai để trị hôi miệng. Hạt làm thuốc điều kinh.
Tại Việt Nam, Philippines:
Nước nấu sôi từ vỏ dùng làm thuốc xúc miệng, trị sưng cổ họng, đau răng. Vỏ sắt mỏng, phơi khô, ngâm rượu làm thuốc bổ, kich thích tiêu hóa, giúp khi huyết lưu thông..



So Đũa trong ẩm thực:
Hoa so đũa được dùng làm thực phẩm tại vùng Đông Nam Á nhất là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia.Thường dùng hoa trắng; loại hoa đò của S. grandifolia var. coccinea có vị đắng nên không được ưa chuộng.
Tại Thái: Hoa hay dok khae dùng ăn sống hay nấu chín trong các món cà-ri như kaeng-som.
Tại Sri-Lanka: Lá (và hoa) gọi là Katura murunga dùng thêm vào cho món Sudhu hodhi=Cà-ri trắng
Tại Việt Nam: Hoa được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng tương tự như hoa điên điển (xin xem bài điên điển). Tại vùng nông thôn miền Nam, hoa được hái vào lúc sáng sớm, còn tươi, bỏ cuống và nhụy (có vị đắng), rửa nhẹ tránh làm dập cánh hoa. Hoa so đũa, có thể ăn sống hay trộn thêm vào các loại gỏi; luộc chin chấm mắm kho quẹt và thông dụng nhất là nấu canh chua với các loại cá như cá lóc, cá rô, cá linh, tôm. Hoa so đũa còn được dùng để làm món lẩu chua phối hợp với nhiều loại rau sống khác

Những công dụng khác của So Đũa:
Ngoài vai trò dùng làm thực phẩm cho người và cho thú vật, So Đũa còn có khá nhiều công dụng:
Vỏ cây được dùng làm sợi
Gỗ mềm, không bền, dùng làm nút chai, làm chất đốt, làm vật liệư xây cất nhẹ (giống như tre), bột làm giấy
So Đũa được dùng làm chất đốt tại nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia. Gỗ mềm và nhẹ, tỷ trọng thấp:khoảng 0.42 không phải là loại củi đốt tốt vì ít nóng và khói nhiều Tại Indonesia , một hecta trồng mổi năm cung cấp khoảng 20-25 thước khối củi. Một thước khối củi nặng 512 kg. Than có thể dùng làm thuốc súng. Mật độ của thân gia tăng theo tuổi cây do đó chỉ những cây trồng trên 5 năm mới co thể dùng làm cột hay vật liệu xây cất.
Lá dùng làm phân xanh.
Cây còn dùng làm cây ‘trang trí’ (do vẻ đẹp của hoa), cây chắn gió., che mát và cọc leo cho câytiêu., tái tạo rừng và phủ đất hoang..
Gỗ thân cây được dùng để trồng nấm mèo (mộc nhĩ). Trên thực tế, nấm mèo có thể nuôi trồng trên nhiều loại giá thể khác nhau như rơm rạ, bã mía, mạt cưa… nhưng năng suất sẽ cao hơn khi trồng trên gỗ, thân cây. Gỗ được chọn la loại có lá rộng, có nhựa nhưng không có tinh dầu như mit, xoài, sung, gòn, so đũa.

Tài liệu sử dụng:
Cây Thuốc và Động Vật Làm Thuốc tại Việt Nam, Tập II (Viện Dược Liệu)
Handbook of Energy Crops (James Duke)
Philippine Medicinal Plants: Katuray
Medicinal Plants of India (S.K Jain & Robert DeFilipps)
Sesbania grandidolia (J.M Suttle-FAO Documents)
Tropical Forages Factsheet: Sesbania grandifolia

Trần Việt Hưng, 1 tháng Tám 2012

From: https://www.tvvn.org