K24SQHQ.com Contact

Vì sao thảm họa càng chết chóc, con người càng vô cảm?

Posted by k24sqhq on December 11, 2020

Tiffanie Wen
BBC Future
4 tháng 8 20204



"Nếu nhìn vào số đông thì tôi sẽ không bao giờ hành động. Nếu chỉ nhìn vào một người, tôi sẽ làm." Đây là lời của một người phụ nữ mà những việc làm từ thiện và lòng tốt đã giúp bà được phong thánh - Mẹ Teresa.

Những lời nói này đại diện cho một trong những khía cạnh khó hiểu nhất trong phản ứng của con người trước cảnh ngộ của đồng loại.

Trong khi hầu hết chúng ta xem cái chết là một thảm kịch, chúng ta lại rất khó khăn để có phản ứng tương tự trước sự mất mát sinh mạng ở quy mô lớn.

Thông thường thì cái chết của nhiều người đơn giản chỉ là con số thống kê.

Chẳng hạn hàng triệu sinh mạng mất đi trong các thảm họa tự nhiên, chiến tranh hoặc đói kém, con số quá lớn để có thể thấu cảm được.

'Chai sạn tâm lý'

Ngay cả hiện giờ, chúng ta có thể thấy quá trình kỳ lạ tương tự xảy ra khi con số tử vong toàn cầu do virus corona tăng lên.



Con số sinh mạng mà con virus này cướp đi đã gần 700.000 người và hơn 18 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận ở 200 quốc gia.

Mỗi cái chết là một bi kịch xảy ra ở cấp độ cá nhân với một gia đình tang thương và bàng hoàng. Nhưng khi nhìn rộng ra thì ai thực sự có thể hiểu được con số lớn như vậy?

Tại Mỹ, nơi đã vượt cột mốc đau buồn 100.000 người chết từ hồi tháng Sáu (mà cho đến những ngày đầu tháng Tám đã tăng lên tới 168.000 người), các nhà báo đã tìm mọi cách để giúp công chúng hiểu về sự tàn phá của dịch bệnh.

Con số hồi tháng Sáu là cao 'gấp đôi số người Mỹ thiệt mạng trong toàn bộ Chiến tranh Việt Nam' và 'vượt quá số người thiệt mạng khi giao tranh của quân đội Mỹ trong mọi cuộc chiến kể từ Chiến tranh Triều Tiên'.

Nhưng việc chúng ta không thể hiểu được những thống khổ gắn với những con số này có thể gây hại cho cách chúng ta phản ứng với những bi kịch như vậy.

Ngay cả bây giờ, có bằng chứng cho thấy mọi người đang bị mệt mỏi với những tin tức về virus corona và đọc ít hơn về đại dịch.

Điều này một phần có thể là do một hiện tượng tâm lý được gọi là chai sạn tâm lý, tức là quan niệm rằng 'càng nhiều người chết, ta càng ít quan tâm'.

"Cảm giác gan ruột trực giác chóng qua theo nhiều cách là điều kỳ diệu, nhưng nó có một số khiếm khuyết," Paul Slovic, nhà tâm lý học tại Đại học Oregon, người đã nghiên cứu về chai sạn tâm lý trong nhiều thập niên, cho biết.

"Một là nó không xử lý tốt cho lắm với những con số rất lớn. Nếu chúng ta nói về mạng sống, một mạng sống là vô cùng quan trọng, quý giá và chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ mạng sống đó, cứu mạng sống đó, cứu giúp người đó. Nhưng khi số lượng sinh mạng tăng lên, cảm xúc của chúng ta lại không tăng theo tương ứng."

Thực ra, nghiên cứu của Slovic cho thấy khi các con số thống kê liên quan đến thảm kịch ngày càng lớn hơn, chúng ta trở nên chai sạn và ít có cảm xúc nữa. Điều này đến lượt nó khiến chúng ta ít có khả năng thực hiện hành động cần thiết để ngăn chặn nạn diệt chủng, cứu trợ cho thảm họa thiên nhiên hoặc thông qua các đạo luật để chiến đấu với sự nóng lên toàn cầu.

Trong trường hợp đại dịch, nó có thể dẫn đến một kiểu vô cảm khiến mọi người tự mãn về việc rửa tay hoặc đeo khẩu trang - cả hai việc đều đã được chứng minh là giảm lây lan virus.

Cấp độ cá nhân

Một phần của vấn đề có thể là khi số lượng ngày càng lớn, ý nghĩa của chúng đối với cá nhân chúng ta ngày càng ít đi.



"Từ góc độ tiến hóa, chúng ta tập trung vào những thứ đe dọa giết chúng ta ngay lập tức hoặc đe dọa tới hoạt động tương tác trong các nhóm nhỏ," Melissa Finucane, nhà khoa học xã hội và hành vi cấp cao tại viện nghiên cứu chính sách Rand Corporation, vốn nghiên cứu về việc ra quyết định và đánh giá rủi ro, nói.

"Bây giờ chúng tôi đang cố tìm ra các kịch bản rủi ro rất phức tạp khi có rất nhiều số liệu thống kê. Nhưng một người bình thường không phải là nhà phân tích thống kê hoặc nhà dịch tễ học lại không có công cụ cần thiết trong tay để đưa ra phán đoán về điều gì đó rộng lớn và phức tạp như đại dịch toàn cầu."

Nhưng điều này có thể có hậu quả nghiêm trọng đối với cách chúng ta ứng phó khi đối mặt với những thảm kịch quy mô lớn.

Trong một loạt nghiên cứu ở Thụy Điển vào năm 2014, Slovic và các đồng nghiệp đã chứng minh rằng chúng ta không chỉ trở nên mụ mị trước ý nghĩa của con số tử vong ngày càng tăng, mà lòng trắc ẩn của chúng ta trên thực tế có thể yếu dần hay biến mất khi số lượng tử vong tăng lên.

Những người tham gia nghiên cứu được đưa cho bức ảnh của một đứa trẻ nghèo hoặc bức ảnh của hai đứa trẻ nghèo và được hỏi họ có sẵn lòng quyên góp hay không. Thay vì cảm thấy đau buồn gấp đôi và sẵn sàng giúp đỡ gấp đôi, mọi người đã quyên góp ít hơn khi họ nhìn thấy hai đứa trẻ thay vì một đứa. Slovic giải thích rằng điều đó là vì một cá nhân là đơn vị dễ hiểu nhất và dễ thấu cảm nhất đối với con người.

"Nếu bạn nhìn thấy chỉ một đứa, bạn có thể tập trung vào đứa trẻ đó," ông nói. "Bạn có thể nghĩ chúng là ai và chúng giống con của bạn như thế nào. Bạn có thể tập trung sâu hơn vào một người hơn là hai người. [Khi có hai người] sự chú ý của bạn bắt đầu giảm đi và cảm xúc của bạn cũng vậy. Và cảm xúc chính là điều điều khiển hành vi của chúng ta."

Nghiên cứu của Slovic cũng đã phát hiện ra rằng những cảm xúc tích cực trong việc quyên góp cho một đứa trẻ, hay 'ánh sáng ấm áp', đã giảm đi khi mọi người được nhắc nhở về những đứa trẻ mà họ không thể giúp đỡ, một hiện tượng mà ông và các đồng nghiệp gọi là 'không hiệu quả giả tạo'.

'Cảm giác bất lực'

Những người tham gia nghiên cứu đã được cho xem hình ảnh của một đứa trẻ, nhưng một nửa trong số họ cũng được đưa cho số liệu thống kê về số người khác đang chết đói trong khu vực của đứa trẻ đó. Đó chính là cách tiếp cận mà nhiều người trong chúng ta sẽ thấy chẳng hạn như trong các video kêu gọi từ thiện sau thảm họa thiên nhiên.

"Chúng tôi từng nghĩ rằng nếu chúng tôi cho mọi người thấy vấn đề nghiêm trọng như thế nào, mọi người sẽ có động lực hơn để giúp đỡ," Slovic nói.

Thế nhưng số tiền quyên góp đã giảm một nửa khi bức ảnh đi kèm theo số liệu thống kê. Một phần lý do giải thích cho hành vi này là vì chúng ta thực sự là những sinh vật khá ích kỷ.

"Chúng ta quyên góp trong các tình huống vì chúng ta muốn giúp đỡ, nhưng điều đó cũng khiến chúng ta cảm thấy vui," Slovic nói. "Chúng ta sẽ không cảm thấy vui như thế khi giúp một đứa trẻ mà nhận ra rằng nó chỉ là một trong số một triệu đứa trẻ. Bạn cảm thấy buồn khi không thể giúp đỡ hết mọi người và những cảm giác tồi tệ đó xảy đến, hòa lẫn với những cảm giác tích cực và làm giảm giá trị của cảm giác tích cực. "

Nó cũng liên quan đến mức độ ảnh hưởng tới mức nào mà mọi người cảm thấy về hành động của họ. Khi số người đau khổ hoặc chết chóc tăng lên trong một thảm họa, sự đóng góp hoặc nỗ lực của chúng ta ngày càng giống như muối bỏ bể.



Trong nghiên cứu của Slovic và các đồng nghiệp sau cuộc diệt chủng ở Rwandan năm 1994, khi 800.000 người thiệt mạng trong 100 ngày và hàng triệu người mất nhà cửa, một số tình nguyện viên được yêu cầu tưởng tượng họ là đại diện của một quốc gia láng giềng phụ trách một trại tị nạn. Họ phải quyết định có giúp 4.500 người tị nạn tiếp cận được nước sạch hay không. Một nửa được cho biết là trong trại đang có 250.000 người, trong khi những người còn lại được cho biết là có 11.000 người tị nạn trong trại.

"Mọi người sẵn lòng hơn nhiều để bảo vệ 4.500 người trong số 11.000 so với trong số 250.000 người, vì họ đang phản ứng với tỷ lệ chứ không phải con số thật sự," Slovic giải thích.

"Trong tình huống đầu tiên, nó có vẻ không đáng. Nhưng nếu bạn có thể cắt số nạn nhân xuống gần một nửa, thì mọi người sẽ có cảm giác đó là chuyện lớn, mặc dù số người cần được giúp cũng y như vậy."

Tránh nghe tin buồn

Tất nhiên, có những lý do tại sao một số người chọn tránh nghe tin buồn hoặc tránh suy nghĩ sâu về thảm họa. Liên tục xem tin tức về các sự kiện dữ dội có liên hệ đến mức độ căng thẳng nghiêm trọng cao vốn có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Chẳng hạn, một nghiên cứu sau vụ đánh bom Giải Marathon Boston hồi năm 2013 đã phát hiện ra rằng những người theo dõi tin tức về vụ tấn công từ sáu tiếng đồng hồ trở lên mỗi ngày trong tuần lễ sau vụ tấn công tàn bạo có khả năng xảy ra mức độ căng thẳng nghiêm trọng cao gấp 9 lần vài tuần sau đó.

"Đó cũng là khuynh hướng luẩn quẩn," Roxane Silver, nhà tâm lý học tại Đại học California, Irvine, và là một trong những tác giả của nghiên cứu này, cho biết.

"Bạn càng căng thẳng chừng nào, bạn càng nhiều khả năng tìm đến các phương tiện truyền thông. Và thật khó để phá vỡ xu hướng này, đặc biệt là khi tin tức là tiêu cực. Càng xem nhiều tin thì càng căng thẳng, mà càng căng thẳng thì càng xem nhiều tin."

Mặc dù việc theo dõi tin tức cập nhật về các quy tắc phong tỏa mới nhất và sự lây lan của virus là quan trọng trong đại dịch virus corona, nó là nguồn cơn khiến nhiều người càng thêm lo lắng trong đại dịch.

"Điều đó không có lợi về mặt tâm lý và có khả năng liên quan gây ra tâm trạng bực bội, căng thẳng, lo lắng và sợ hãi, và có thể là nỗi buồn," Silver nói.

Thay vì đắm chìm trong tin tức, bà khuyến nghị chúng ta chỉ chọn một số ít các trang web và nên xem chúng không quá hai lần trong một ngày.



Vậy làm thế nào để chúng ta tránh trở nên chai đá trước những bi kịch khi chúng diễn ra xung quanh chúng ta?

Có những lúc chúng ta hiểu rõ hơn về sự nghiêm trọng của các con số, theo Slovic.

Các phép tính toán dễ dàng, giống như khi con số tăng gấp đôi, thu hút sự quan tâm của chúng ta. Các số được làm tròn như 100, 1.000 hoặc 100.000 hoặc một triệu là các cột mốc thường khiến chúng ta phải ngừng lại để suy nghĩ.

Việc các nhà báo làm cho các thảm họa 'người' hơn bằng cách tìm những câu chuyện cá nhân của những người liên quan là chuyện thường.

Đó là lý do tại sao các bài báo thường tập trung vào các chi tiết dường như không quan trọng như tuổi tác của nạn nhân, việc làm của họ và liệu họ có con hay không. Đó là lý do tại sao các bức ảnh về các vật dụng cá nhân, như một đôi giày hoặc một món đồ chơi bị bỏ, thường được sử dụng để đưa thảm họa ở quy mô lớn trở lại ở cấp độ cá nhân.

Và có những lúc một thảm họa duy nhất trong một bối cảnh rộng lớn, có thể có tác động sâu sắc đến tâm lý của xã hội nói chung.

Bây giờ chúng ta có thể thấy điều này ở Mỹ và trên toàn thế giới khi những người biểu tình xuống đường để biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát và sự phân biệt chủng tộc có hệ thống sau cái chết của George Floyd hồi tháng Năm.

Sức mạnh của hình ảnh

"Chúng ta đang chứng kiến một ví dụ kịch tích về sức mạnh của hình ảnh, trong trường hợp này là vụ sát hại George Floyd, để thức tỉnh chúng ta trước tình trạng bạo lực sắc tộc vốn đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, mặc dù hiện tượng này trong nhiều thập kỷ gần đây đi kèm với rất nhiều con số thống kê dễ khiến chúng ta vô cảm," Slovic cho biết.

Ông nói rằng các cuộc biểu tình này cũng nhất quán với phản ứng toàn cầu đối trước bức ảnh chụp Alan Kurdi, một cậu bé ba tuổi người Kurd ở Syria, chết đuối ở Địa Trung Hải hồi năm 2015 khi gia đình em tìm đường đến châu u để thoát khỏi Nội chiến Syria. Cho đến năm 2015, cuộc chiến đó, vốn nổ ra hồi năm 2011, đã giết chết 250.000 người và khiến hàng triệu người lâm vào cảnh tị nạn.



"Và không ai quan tâm, đối với hầu hết mọi người đó chỉ là số liệu thống kê," Slovic, vốn nghiên cứu về phản ứng quốc tế đối với bức ảnh này, nói và nhận thấy nó đã kích hoạt một làn sóng đồng cảm sau khi được đăng tải.

"Đó là một bức ảnh gây bàng hoàng, bóp nghẹt cảm xúc đến nỗi nó thức tỉnh mọi người. Bức ảnh đã lan truyền mạnh mẽ khắp thế giới và tạo ra nhận thức và mối quan ngại mà con số thống kê 250.000 người chết trước khi có bức ảnh không tạo ra được."

Chẳng hạn như số lượng các lượt quyên góp cho một quỹ do Hội Chữ Thập Đỏ Thụy Điển thành lập đã tăng 100 lần trong tuần lễ sau khi có bức ảnh, Slovic nhận thấy. Tổng số tiền quyên góp hàng ngày cũng cao hơn 55 lần trong tuần lễ đó. Mãi đến sáu tuần sau khi bức ảnh được tung ra số tiền quyên góp mới giảm về mức cũ trước đó.

Nhưng từng cuộc khủng hoảng đều khác nhau. Chẳng hạn Slovic tin rằng các cuộc biểu tình đòi dân quyền của các nhà hoạt động xã hội da đen ở Mỹ có thể không nhanh chóng chìm xuống.

Nhưng chúng ta có thể làm gì khi không có một bức ảnh hoặc câu chuyện đau lòng đến mức chúng ta không thể không chú ý? Liệu chúng ta có thể chịu để cho số người chết vì dịch bệnh tăng lên làm chúng ta mụ mị đến mức trở nên tự mãn hay không?

Các cơ quan chính phủ và quan chức y tế nên khôn ngoan trong việc đưa ra thông điệp, Finucane khuyên, bởi vì thay đổi từ hai triệu thành 2,1 triệu ca nhiễm có thể sẽ không thu hút sự chú ý và thúc đẩy mọi người làm những điều như tránh đám đông và đeo khẩu trang. Thay vào đó, thông điệp nên mang tính cá nhân hơn và đánh mạnh vào tình cảm hơn.

Đối với mỗi cá nhân, Slovic nói rằng đó là việc thay đổi cách nghĩ của chúng ta và tập suy nghĩ chậm hơn, tập trung hơn.

Ông chỉ ra câu nói nổi tiếng của Abel Herzberg vốn sống sót qua nạn diệt chủng người Do Thái: "Không có sáu triệu người Do Thái bị giết hại; chỉ có một vụ sát hại mà diễn ra sáu triệu lần."

Slovic khuyên chúng ta nên suy nghĩ về cuộc sống và câu chuyện của từng con người. "Bạn cần phải suy nghĩ chậm lại để biết trân trọng mỗi con người phía dưới các con số," ông nói.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.