Các chuyên gia bình luận về triển vọng Việt Nam mua chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ
Liệu Việt Nam có mua chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ hay không?
Các chuyên gia bình luận về triển vọng Việt Nam mua chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ
Tác giả,Huyền Trân
Vai trò,BBC News Tiếng Việt
một giờ trước
Việc Việt Nam mua vũ khí của Hoa Kỳ có khả thi hay không còn phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng, theo phân tích của giới chuyên gia.
Tin cho hay Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán về một thỏa thuận vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai cựu thù.
Chi tiết vẫn chưa được các bên tiết lộ, nhưng được biết chiến đấu cơ F-16 sẽ là loại vũ khí chính được chuyển giao theo thỏa thuận này.
Ngay sau khi có tin Mỹ có thể bán F-16 cho Việt Nam, Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc bình luận rằng thoả thuận mua bán vũ khí này nếu được hiện thực hoá, "sẽ làm tổn hại đến nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực".
Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc, tỏ ý quan ngại rằng đây sẽ là cơ hội tốt để Hoa Kỳ mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự của mình trong khu vực và kiềm toả Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông.
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn hai chuyên gia về an ninh - quốc phòng từ Hoa Kỳ về khả năng Việt Nam mua chiến đấu cơ F-16 từ Hoa Kỳ, và những tác động có thể có từ việc mua bán này.
Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye nhận định rằng Việt Nam đang rất cần hiện đại hóa kho vũ khí của mình từ các nguồn khác để dần tách khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Việc mua của Mỹ, ông đánh giá, chỉ là sự tiếp tục thực hiện chiến lược này, sau khi Hà Nội đã tìm hiểu vũ khí của các nước khác, như Israel.
Nhìn từ phía Hoa Kỳ, theo đánh giá của nhà nghiên cứu độc lập Richard A Bitzinger, thì việc Mỹ bán F-16 cho Việt Nam là chuyện tốt cho Washington, nhưng Hà Nội sẽ cần nhắc tới các yếu tố chính trị, đặc biệt là trong món quan hệ với Trung Quốc.
Và đương nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề tài chính luôn đóng vai trò then chốt trong các giao dịch quan trọng như vậy.
Giáo sư Alexander L Vuving: Thứ nhất, chuyện Việt Nam mua một vũ khí tương đối lớn của Mỹ là chuyện cần phải có thời gian. Yếu tố lớn là vấn đề giá cả. Bởi vì cùng loại vũ khí có tính năng tương đương, chất lượng tương đương thì tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể mua được từ một số nước khác ngoài Mỹ.
Việt Nam đã từng mua nhiều vũ khí từ Nga. Gần đây Việt Nam mua thêm vũ khí từ Israel chẳng hạn. Hay là một số vũ khí khác từ Hàn Quốc, Pháp… Máy bay chiến đấu thì Thuỵ Điển, Pháp cũng có, không chỉ có Mỹ.
Thứ hai là vấn đề về chuyện ‘lại quả’. Những người tham gia vào thương vụ đó họ phải được cái gì. Mua vũ khí của Mỹ thì được cái gì ở đây là cái gì đó rất là mù mờ.
Rồi nữa là vấn đề sự tương thích các hệ thống vũ khí. Vấn đề còn là sự bảo trì. Bảo trì có nghĩa là phải có những kỹ thuật viên của nước sản xuất vũ khí đến và ngồi ở sân bay của mình để tham gia bảo trì.
Tôi nghĩ là bây giờ những câu hỏi cụ thể về mua cái gì, như thế nào thì chưa ai có thể nói được.
Nhà nghiên cứu Richard A Bitzinger: Tôi không nghĩ vấn đề ở chỗ Mỹ muốn bán [máy bay F-16] cho Việt Nam hay không, điều mà tôi nghĩ Mỹ muốn thực hiện bởi vì Washington thấy có nhiều điểm tích cực từ chuyện này.
Tôi nghĩ câu hỏi lớn là liệu Việt Nam có sẵn sàng đi theo hướng này hay không và mua máy bay chiến đấu từ Mỹ. Có những hậu quả chính trị từ chuyện này.
Không chỉ có yếu tố chính trị mà còn về kinh tế. Đây không phải là những chiến đấu cơ rẻ tiền, dù F-16 đã xuất hiện khá lâu. Do đó, khả năng đáp ứng tài chính cũng là một nhân tố quan trọng cho phía Việt Nam trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Giáo sư Alexander L Vuving: "Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần bây giờ là một cái nhìn mới về thế giới, một sự đánh giá về môi trường chiến lược của Việt Nam trong khoảng 10 năm nữa sẽ như thế nào"
BBC: Liệu có phải Việt Nam cần phải sớm đa dạng kho vũ khí của mình ngoài 'nước bạn' Nga trước kịch bản xảy ra một chiến tranh giả định trong tương lai?
Giáo sư Alexander L Vuving: Sớm muộn thì Việt Nam sẽ phải và đang đa dạng hoá nguồn vũ khí của mình. Bởi vì có một vấn đề rất khó khăn với Việt Nam, đó là Nga ngày càng xích lại gần với Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh giả định có thể xảy ra đối với Việt Nam, mà khả năng lớn nhất sẽ là một cuộc đụng độ với Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời ở biên giới tuy nhiên ở biên giới trên bộ thì có thể chỉ là một cuộc đụng độ vừa phải thôi, tương tự như chiến tranh Biên giới ngày xưa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979.
Trên Biển Đông sẽ là một cuộc đụng độ hoàn toàn mới mà Việt Nam chưa bao giờ có, chưa từng có bất kỳ một kinh nghiệm gì. Xưa nay Việt Nam đánh nhau ở trên bộ. Chiến tranh Biên giới với Trung Quốc, với Mỹ, với Pháp, chiến tranh Campuchia, tất cả đều trên bộ hết.
Nếu bây giờ xảy ra một cuộc chiến tranh trên Biển Đông với những vũ khí của thế kỷ 21 như máy bay không người lái, chiến tranh điện tử, những kinh nghiệm của Việt Nam từ xưa đến nay khó lòng mà áp dụng được.
Tôi nghĩ là trong chuyện đó nếu Việt Nam chỉ dựa vào một mình vũ khí của Nga thì không nên. Ví dụ một trong những vũ khí quan trọng của chiến tranh trên biển là máy bay để khống chế trên không, rồi tên lửa, máy bay không người lái...
Câu chuyện của Việt Nam sẽ là một câu chuyện mới mà Việt Nam phải suy nghĩ.
Việt Nam sẽ ký mua chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ?
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam trên bầu trời Hà Nội vào ngày 03/11/2022. Không quân Việt Nam chủ yếu dùng các máy bay chiến đấu Su-22, Su-27, Su-30,và tiêm kích Mig-21. Tất cả đều do Nga sản xuất
BBC: Mục tiêu đa dạng hoá kho vũ khí của Việt Nam có dẫn đến những thay đổi đáng kể gì trong chiến lược an ninh quốc phòng của Việt Nam không?
Giáo sư Alexander L Vuving: Sách Trắng quốc phòng Việt Nam xuất bản năm 2019 nêu ra Học thuyết quân sự Việt Nam, với những điểm lớn nhất là quốc phòng toàn dân, chính sách ‘Bốn không’. Chính sách ‘Bốn không’ tất nhiên là trong thời bình. Học thuyết quân sự đó, khi đi vào vấn đề mua vũ khí thì trở nên một câu chuyện cụ thể hơn.
Tất nhiên đối với Việt Nam vũ khí không hoàn toàn quan trọng. Trong học thuyết quân sự của Việt Nam thì con người quan trọng hơn vũ khí. Một trong những điểm, học thuyết quân sự của Việt Nam khác với Phương Tây đó là ở chỗ thứ nhất, chính trị quan trọng hơn quân sự. Đi vào cụ thể mua vũ khí như thế nào thì tôi nghĩ là người ta phải suy nghĩ cụ thể xem là cuộc chiến, cuộc xung đột quân sự khả dĩ nhất đối với Việt Nam sẽ như thế nào và tìm cách ứng phó với câu chuyện đó.
Câu chuyện nữa nằm trong chiến lược bảo vệ tổ quốc. Chiến lược bảo vệ tổ quốc hiện nay về cơ bản là đã được định hình từ thời năm 2003, đến Hội nghị Trung ương 8 năm 2013 thì gần như bổ sung một chút thôi.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần bây giờ là một cái nhìn mới về thế giới, một sự đánh giá về môi trường chiến lược của Việt Nam trong khoảng 10 năm nữa sẽ như thế nào. Điều này hoàn toàn khác với môi trường chiến lược của Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua. Nghị quyết 8 năm 2003 dựa trên tư duy thế giới về cơ bản là hoà bình, phát triển và hợp tác. Thế nhưng bây giờ thì những xu hướng chính đó không còn là chính nữa.
Nhìn thấy cuộc chiến tranh Ukraine và những đe doạ chiến tranh khác ở khu vực này thì khó lòng mà nói hoà bình vẫn là xu hướng chính. Phát triển hợp tác sẽ không như ngày xưa nữa.
Như vậy, thế giới quan làm nền tảng cho chiến lược bảo vệ tổ quốc của Nghị quyết 8 năm 2003 thay đổi hoàn toàn. Họ cần một thế giới quan mới, để nói lên môi trường chiến lược mà Việt Nam phải đối phó trong vòng 5 đến 10 năm tới, chưa nói xa hơn, sẽ như thế nào.
Nếu tiếp tục những cái cũ thì đương nhiên đã mặc nhiên thừa nhận môi trường đó vẫn như 20 hay 30 năm trước. Như thế là bất cập.
Quan hệ Mỹ-Việt: Hoa Kỳ vào Việt Nam ‘lần hai’ và các bài học cho hôm nay
Nhà nghiên cứu Richard A Bitzinger: "Su-30 như một xe bán tải, còn F-16 như một chiếc Toyota linh hoạt vậy. Cả hai đều chức năng riêng và thực hiện khá tốt phần việc của mình"
BBC: Nếu đem so sánh, chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất có gì hơn, kém các chiến đấu cơ của Nga mà Việt Nam đang sở hữu?
Nhà nghiên cứu Richard A Bitzinger: F-16 đã hiện diện trong hàng chục năm qua. F-16 là một trong những chiến đấu cơ thành công nhất từng được chế tạo tại Mỹ. F-16 không chỉ được bán ra tại Mỹ mà còn các đồng minh châu Âu. Singapore cũng mua F-16. Indonesia cũng có F-16. Và còn Đài Loan, Thái Lan nữa. F-16 là một chiến đấu cơ cực kỳ phổ biến. Không quân Việt Nam bay những máy bay rất cũ, có từ thời Chiến tranh Việt Nam vào những năm 1960, đầu những năm 1970 như Mig-21, Su-22.
Việt Nam đã sở hữu một số máy bay chiến đấu Mig-29 hiện đại. Su-30 là một máy bay rất tốt, nhưng nó rất to và có hai động cơ. Loại máy bay này đòi hỏi nhiều công tác sửa chữa và bảo dưỡng.
F-16 là máy bay chiến đấu nhẹ, có khả năng tấn công huỷ diệt. Rất tốt cho cuộc tấn công không đối không. Giá trị của F-16 là về độ nhanh nhạy và khả năng thích ứng hơn.
Nếu chúng ta đem so sánh so sánh, thì Su-30 giống như một xe ô tô bán tải, còn F-16 như một chiếc Toyota linh hoạt vậy. Cả hai đều chức năng riêng và thực hiện khá tốt phần việc của mình.
Thật khó để so sánh hai loại máy bay. Giống như so sánh quả cam với quả táo vậy. Mỗi loại có tính năng riêng.
Giáo sư Alexander L Vuving: Cuộc chiến [mà trong đó Việt Nam sẽ sử dụng đến chiến đấu cơ] sẽ không giống cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, hay cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ ngày xưa, và như vậy [cần tính xem các chiến đấu cơ sẽ] cần và không cần những tính năng gì.
Đối với một cuộc chiến tranh ở Vùng Vịnh hay ở Ukraine, Syria… thì F-16 tốt hơn Su, chẳng hạn. Nhưng mà có khi cuộc chiến tranh trên Biển Đông thì vấn đề lại khác. Mình phải nhìn những điều cụ thể như thế.
F-16 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Hiện có khoảng hơn 3.000 chiến đấu cơ F-16 được sử dụng trên khắp 25 quốc gia. Giá cả một máy bay chiến đấu F-16 hiện hơn 60 triệu USD
BBC: Việc bán vũ khí cho các nước thân thiện ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một cách để Washington có thể tiến hành thiết lập vòng vây, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông?
Giáo sư Alexander L Vuving: Khả năng là Trung Quốc sẽ đặt ra những lằn ranh đỏ cho Việt Nam. Có khi lằn ranh đỏ chưa chắc thật sự đỏ mà chỉ hồng hồng thôi. Hai bên sẽ vờn nhau xem thật sự đỏ đến đâu. Tuy nhiên tôi nghĩ về lâu về dài, Việt Nam phải vượt qua những 'vòng kim cô' đó thôi vì nếu không mình tự trói mình.
Thứ hai chuyện bao vây Trung Quốc thì tôi nghĩ chuyện đó là đương nhiên. Người Trung Quốc học Binh pháp Tôn Tử thì cũng biết đây là chuyện đương nhiên. Khi Mỹ và Trung Quốc tranh hùng với nhau cũng như ngày xưa giữa Mỹ và Liên Xô tranh hùng với nhau, thì đương nhiên, ông phải vây đối phương theo cách nào đó.
Quan hệ Mỹ-Việt: Hoa Kỳ vào Việt Nam ‘lần hai’ và các bài học cho hôm nay
Và một trong những lý do vì sao Liên Xô thua Mỹ trong Chiến tranh Lạnh là vì vị trí địa lý của Liên Xô rất dễ bị bao vây. Liên Xô ngày xưa có mười mấy nước láng giềng.
Trung Quốc ngày nay có 14 nước láng giềng trên bộ. Việt Nam không muốn bị tham gia vào cuộc tranh hùng giữa hai nước lớn. Cuộc tranh hùng giữa Mỹ và Trung Quốc thì có điều Việt Nam phải tránh nhưng cũng có điều Việt Nam có thể lợi dụng được.
Đối với Việt Nam, rất quan trọng để giữ vững trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Trong vấn đề này thì Việt Nam cùng bên với Mỹ, ngược bên với Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc muốn thay thế trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế bằng một trật tự quốc tế do Trung Quốc áp đặt.
Tất nhiên, ngoại giao ‘Cây tre’ có hiệu quả hay không, về lâu, về dài thì đây là một dấu hỏi.
Nhà nghiên cứu Richard A Bitzinger: Nếu Mỹ có thể đạt một thoả thuận vũ khí với Việt Nam thì điều này mang đến cho Washington sự kỳ vọng rằng nước Mỹ có thể mang Việt Nam gần hơn vào quỹ đạo của mình.
Tôi nghĩ Việt Nam biết rõ khả năng này. Và họ có lẽ sẽ cho thấy rất khó để Mỹ đạt được điều này bởi vì tôi không nghĩ họ sẽ cần thiết dễ dàng bị buộc phải chọn phe.
Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cũng rất tốt. Về thế hệ người lớn tuổi ở Việt Nam, họ vẫn còn ký ức và tình cảm tốt đẹp dành cho Nga hơn là Mỹ. Điều này có thể gây hạn chế thoả thuận này có thể đi xa đến đâu để tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Nói tóm lại, nếu Mỹ có thể đảm bảo về thoả thuận vũ khí này, điều này có thể khiến mối quan hệ với Hà Nội nồng ấm hơn và chuyện này sẽ có ích lợi.
Nhưng không có gì đảm bảo nào rằng câu chuyện sẽ có kết cục như vậy.
Bình Khuê tường thuật bổ sung