K24SQHQ.com


50 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA HOÀNG SA, BAO GIỜ LẤY LẠI ?.



Ngô Thị Kim Cúc
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn, 19-01-2024

“Bao giờ chúng ta lấy lại được Hoàng Sa?” Hoàng Sa mà Trung cộng đã đánh cướp sau trận hải chiến ngày 19/1/1974, giữa lúc tình hình chiến sự ở miền Nam đang rơi vào thế bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa.
Hoàng Sa mà ngay từ năm 1816 vua Gia Long đã đưa thủy quân ra khảo sát, và liên tục vào các năm 1833, 1834, 1835, 1836, vua Minh Mạng đã cho quân ra cắm trụ, dựng bia, lập miếu, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Tên các đảo chính là tên những người có công trong nhiệm vụ thiêng liêng này. Trong sinh hoạt nghề cá, hàng năm ngư dân miền Trung vẫn tổ chức các nghi thức, tế lễ có nội dung về việc người Việt ngày xưa từng ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ vua giao.
Vậy mà đã 50 năm từ ngày Trung Quốc đánh chiếm và biến Hoàng Sa thành một “tiền đồn” trên Biển Đông, hòng khống chế con đường giao thương cực kỳ quan trọng này.
50 năm, ai quên và ai nhớ?
50 năm, có phải thời gian đã phôi pha và mọi thứ sẽ “hóa bùn” khi đã “để quá lâu”?
Không! Lòng người dân Việt vẫn canh cánh câu hỏi: Bao giờ lấy lại Hoàng Sa?
Tôi không rõ lắm về nội dung, thời hiệu của những điều luật, hay những văn bản liên quan tới việc kiện cáo, xác nhận chủ quyền Hoàng Sa, nhưng trong tôi luôn ray rứt một suy nghĩ: Bao giờ lấy lại Hoàng Sa?
Không chỉ là chuyện đòi lại một vùng đảo, mà để đoan quyết rằng, không một tấc đất thiêng liêng nào thuộc chủ quyền Việt Nam phải chịu đựng sự thống trị của ngoại bang, nhất là một ngoại bang mắc bao món nợ lớn với người Việt suốt một ngàn năm đô hộ.
Tôi lớn lên trong một thành phố miền Nam, với những bài học vỡ lòng về đất nước có tên gọi là Việt Sử, xác định rất rõ rằng, “chúng-ta-đang-học-sử-nước-mình”, để phân biệt với sử-thế-giới khi lên bậc học cao hơn.
Chính trường Nữ Tiểu Học Đà Nẵng đã khai mở và khắc ghi vào trái tim tôi những bài học đầu tiên về lòng yêu nước, sắc cạnh và mạnh mẽ tới nỗi giá trị vĩnh viễn ấy chỉ ngày càng sâu đậm hơn trong mỗi ngày lớn lên của tôi.
Trong một giờ Việt Sử, tôi đã khóc đau đớn, nước mắt nước mũi ràn rụa khi nghe cô giáo đọc bài-đọc-thêm về việc kinh thành Huế thất thủ trước sức tấn công của quân Pháp. Hình ảnh những người lính Việt bại trận chen chúc cùng với dân thường đầy khiếp sợ bồng bế dắt díu nhau chạy khỏi kinh đô xiết bao đau thương thê thảm. Họ phải đứt ruột đành lòng bỏ lại sau lưng mình một kinh thành đã mồ-côi-dân cho giặc.
Tôi thấy như chính mình và gia đình mình cũng có mặt trong đám người trốn chạy nhục nhã đó, và tôi đau, như chưa bao giờ đau đến vậy. Các bạn tôi cũng khóc giống như tôi, và cô giáo là người khóc đầu tiên. Ôi những giờ Việt sử thời tuổi nhỏ, sao mà thiêng liêng đến vậy. Những giờ học đã định hình lòng yêu nước trong chúng tôi, tự nhiên như tình yêu với cha mẹ, anh em, bạn bè, làng xóm, ngôi trường, con đường đi học…
Vậy mà, giờ đây, những thông tin nhận được hàng ngày cứ khiến tôi kinh ngạc với câu hỏi: Đang xảy ra chuyện gì? Vì sao mọi việc lại trở nên như vậy?
Tôi đã tình cờ xem một phim tài liệu do một kênh truyền hình Việt Nam thực hiện về biên giới Việt-Trung. Lời thuyết minh cho biết đoàn phim đã phải xin phép Trung Quốc để được vào quay nơi đã đặt đồn biên phòng cũ, do khu đất này của một tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc đã cho người Trung Quốc thuê làm sân gôn trong thời gian dài.
Tôi tự hỏi, sao lại cho Trung Quốc thuê đất làm sân gôn dài ngày ngay vùng biên giới?
Ở Đà Nẵng, thành phố mà Hoàng Sa trực thuộc, người Trung Quốc đã bằng nhiều cách thu gom đất ven biển, kể cả nhờ người Việt đứng tên giùm.
Câu hỏi đặt ra là: đằng sau những thương vụ này là gì?
Tôi lớn lên từ những bữa cơm với rất nhiều loại cá: chim, thu, ngừ, đuối, nục, chuồn, cơm…, và cả bài hát mẹ ru em: “Lỗi lầm vì cá trích ve/ Vì rau muống vượt, vì mè trộn măng”. Đời sống quê tôi gắn bó thân thiết với Biển Đông, nên trong tôi cứ dội lên một nỗi đau cồn cào mỗi khi nghĩ đến Hoàng Sa.
Cho đến khi internet đã trở thành phương tiện phổ biến, một ngày kia, tôi vào Google và gõ hai chữ Hoàng Sa, rồi tải xuống những gì có được, tôi đã trải qua một cảm xúc lạ lùng chưa từng có.
Khi lần đầu nhìn thấy bức không ảnh một góc đảo Hoàng Sa với cây xanh và cát trắng giữa một đại dương thẳm xanh, cộng với những cái tên Tri Tôn, Hữu Nhật, Duy Mộng…, tôi choáng người như nhìn thấy một người thân mất tích lâu năm bỗng trở về. Tôi đã lưu những hình ảnh-tài liệu có được vào một folder, và lâu lâu lại giở ra xem, với ngàn vạn những nỗi niềm.
Internet đã cho tôi niềm vui nhìn thấy một Hoàng Sa bằng-xương-bằng-thịt của mình, nhưng internet cũng khiến tôi đớn đau bức bối khi nhìn thấy cờ Trung Quốc bay trên vùng đảo ấy.
Giờ đây, lính Trung Quốc với tàu lớn, vũ khí hạng nặng thường xuyên tấn công ngư dân Việt khi họ ra đánh bắt gần vùng biển truyền thống của mình. Tàu Trung Quốc đã cướp từ hải sản đến ngư cụ, máy móc và đe dọa cả sinh mạng của những ngư dân Việt chỉ có vật duy nhất để “tự vệ” là lá cờ...
Bao giờ lấy lại được Hoàng Sa?
Tôi chỉ là một thường dân, tôi chẳng biết phải đặt câu hỏi ấy cho ai, ngoài những lãnh đạo cao nhất của Việt Nam: Bao giờ lấy lại được Hoàng Sa?
............................................................
BBC: Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một nhà văn và nhà báo về hưu sống tại Sài Gòn.
Sưu tầm: Lê Văn Mỹ