K24SQHQ Contact

Đặc San 50 Năm Hội Ngộ

Khóa 24 Sĩ Quan Hải Quân VNCH
Đệ Nhị Song Ngư
1973 - 2023



Bầy Hải Âu 50 năm tung cánh
Tháng 9 về đây, tay bắt mặt mừng
Bao nhiêu cánh Hải Âu lìa bầy nhỉ
Còn nhiêu đây về hội ngộ một lần!


Lối vào…

Một lần nữa nhé, bạn hiền ơi, gặp nhau lần này biết đâu là lần cuối? 50 năm tung hoành khắp nơi trên thế giới, chưa một ai làm hổ mặt đệ nhị Song Ngư, lời cố Niên trưởng Nguyễn Dinh vẫn văng vẳng bên tai "chưa có khóa nào như khóa 24 này…" Vâng đúng vậy, trong đời là sao tránh được những nhiều nhương buồn phiền, bất đồng ý kiến, nhưng đến ngày hội ngộ, kỷ niệm ra khơi, là các bạn hiền khắp nơi đều quy tụ về tham dự, lần này sau 50 năm, chúng ta vẫn là cánh Hải Âu của ngày xưa, góp mặt cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống với mọi môi trường trong cuộc đời tị nạn. Những kinh nghiệm sống đó đã được ghi lại trong đặc san kỷ niệm 50 năm ngày ra khơi. Mời bạn cùng tôi, chúng ta lật từng trang để nhớ về quãng đời lưu lạc, những buồn vui trong năm tháng phiêu bạt của cánh chim biển 24 đã trôi qua thật không ngờ…

Còn chờ gì nữa, bạn ơi!

Ban Đặc San K24










Đặc San 50 Năm Hội Ngộ

Mến chào bạn BT Khanh và các bạn,
Chúng ta, gia đình K24 cám ơn bạn BT Khanh đang thực hiện Đặc San 50 Năm Hội Ngộ trên Website của khóa. Đặc San này được thành công và hấp dẫn người đọc ra sao là tùy vào sự cộng tác của các bạn khắp nơi. Bạn Khanh đang chờ đón những bài viết, những thơ văn, những hình ảnh kỷ niệm xưa và nay, những tài liệu sưu tầm, những chuyện vui buồn đã xảy ra trong gia đình Hải Quân, đặc biệt là K24 của chúng ta. Các bạn hãy cố gắng giúp Khanh thực hiện Đặc San 50 Năm Ra Khơi này được thành công tốt đẹp bằng cách sớm gởi về Khanh những dữ kiện nêu trên. Cám ơn bạn BT Khanh thật nhiều đã luôn chăm lo và cập nhật Website cho khóa.

Thân mời các bạn vào Website của khóa thường xuyên để tìm thấy được rất nhiều tin tức, bài vở và hình ảnh kỷ niệm của nhau rất thân quý!.
Cám ơn các bạn.
K24SQHQ.com

Các bạn hãy mau ghi tên về họp khóa và đi cruise. Thời gian chỉ còn vài tháng nữa thôi. Chúng ta cùng hẹn gặp nhau trong những ngày vui Hội Ngộ sắp đến. Mến chào Khanh và các bạn.

Nguyễn Văn Cửu

Chuyện phiếm

Trong truyện Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung có tạo ra một nhân vật người thuốc đó là con trai của Thần quyền vô địch Quy Tân Thụ, phái Hoa Sơn là Quy Chung.
Hai vợ chồng Quy nhị hiệp đi khắp nơi tìm cách trị bệnh cho con trai và luôn dùng mọi thuốc bổ dưỡng nên Quy Chung được coi như là người thuốc.
Sinh ra được thằng con trai mà lại đèo con trên vai đi hành hiệp thì làm sao thằng con khỏe mạnh?
Nếu được sinh vào thời nay thì với Y khoa hiện đại, thì mạng thằng Quy Chung không end-up ở cung nhà Thanh dưới triều Khang Hy!

Đối với phe ta, các Đại Quan trong gia đình đệ nhị Song Ngư khi bước vào tuổi Thất thập kỷ lai hy, hầu như tam cao một thấp đã làm chúng ta mỗi ngày phải dùng thuốc như người thuốc, bỏ qua một bữa là có chuyện ngay.
Để không quên uống thuốc mỗi ngày, chúng ta phải dùng đến cái hộp đựng thuốc có ghi rõ mỗi ngày từ thứ hai đến chủ nhật, hộp thuốc này còn chia ra làm hai một bên là buổi sáng am, một bên là buổi chiều pm, để chắc chắn là không quên được giờ uống thuốc.

Trước đây, khi tôi ghi lại một vài kinh nghiệm bản thân trên diễn đàn của khóa 24 do anh Bùi Tấn Khanh phụ trách, tôi đã nhận khá nhiều bạn hiền nhắn gởi lời cảm ơn, vì chính bạn đó hay người thân trong gia đình bị nhiều triệu chứng tương tự, đọc bài tôi viết nên đã đi thăm các ngài bác sĩ nên mới có cơ hội chữa trị đúng lúc, thật mừng thay!

Cá nhân tôi trải qua nhiều căn bệnh cần đến bàn tay khéo léo của các bác sĩ chuyên khoa về dao kéo, 2 lần mổ hernias, bị sa ruột vì thuở nhỏ tập Karate, ham đá cho cao nên xoạc chân, xoạc cẳng sát đất, đến khi qua xứ Huê kỳ phải đi kéo bắp thịt, giữ ruột lên trên.

Thêm cái tội hút thuốc lá, từ ngày lên lớp "học đại" theo bè bạn cũng phun khói cho có vẻ như đã là người lớn, rồi gia nhập quân chủng Hải Quân, theo mộng "hải hùng" từng đêm đi ca giữa đại dương bát ngát, trong đêm trăng thật sáng, và ngay cả dưới cơn mưa, giông bão, điếu thuốc trên tay thấy thật ấm cúng, không còn gì hơn?

Không còn gì hơn! Thật vậy, kết quả là các mạch máu lãnh đủ các hậu quả: động mạch chính đưa máu từ tim cung cấp cho thân thể bị nở rộng, phình ra như ông nước cao su xài lâu ngày, may mà biết được trước khi nó vỡ ra thì theo ông bà cha mẹ không kịp trối. Thế là vào bịnh viện cho một cái stent vào, cũng đã được 8 năm.
Chưa xong, một ngày đẹp trời đang tưới cây sau vườn, bỗng thấy choáng váng, cứ tưởng mình bắt chước Bố Già Mafia gục xuống trong vườn bắp, nhưng may mắn gượng đước lết vào nhà, nhờ vợ đưa vào ER, kết quả lại lên giường mổ xẻ ngực làm 3 bypass, cọng thêm cái pacemaker trợ tim, đến nay cũng qua gần 4 năm.

Sở dĩ tôi nhắc lại dăm ba chuyện này như một lời thương mến nhắc nhở anh em phe mình, trong đại gia đình Đệ Nhị Song Ngư đừng coi nhẹ các triệu chứng bất thường xảy ra cho cơ thể mình vào lúc này, nếu bạn hiền còn muốn vui vẻ hạnh phúc bên những người thân thương.

50 năm hội ngộ, nửa thế kỷ! Bạn hiền ơi gặp nhau thêm một lần nữa, biết đâu không còn cơ hội lần sau!



Võ Đại Vạn
Trung đội 1- Đại đội 2 Khóa SVSQ/24/NT

Hăm Tư Có Gì Lạ Không Ta?

Niên trưởng Đệ Nhị Dương Cưu Nguyễn Dinh có một nhận xét rất hay về đàn em Song Ngư 2, đại ý cho rằng đây là 1 khóa khác thường nhất trong các khóa SVSQ HQ Nha Trang mà ông được biết. Tuy nhiên, Cựu/Cố Liên Đoàn Trưởng SVSQ các khóa 23 +24 + 25 này không nói rõ điều gì tạo nên sự khác thường hay đặc biệt đó. Vậy thì, hãy tự mình thử rà lại ký ức, để lược kê và tạm đánh số một vài điểm riêng biệt đặc thù đó xem sao (mà cũng rất mong được các bạn hưởng ứng hiệu đính hay bổ sung)…

1- Ra trường thiếu úy - Cả đời thiếu úy: Quân chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từ lính tới tướng, vẫn tự hào có một cuộc sống kiêu hùng suốt đời: “Once a Marine, Always a Marine”. Tuy cùng một ý niệm chung cuộc, nhưng nghe chừng nó ít bi lụy đau thương (“cho niềm kiêu hãnh vươn lên”) so với dòng nhạc “Một lần là trăm năm!”. Không khác TQLC Mỹ, Đệ Nhị Song Ngư, từ SV vĩ khoa tới thủ khoa, cũng (cắn răng cười mỉm mà) tự hào về một dòng thô ráp mô tả đời lính: “Ra trường thiếu úy – Cả đời thiếu úy”. Tuyệt đại đa số là vậy. Chẳng nghe nói có ai hài lòng về điều trắc trở (bất như ý) này, nhưng, niềm kiêu hãnh từng-là-một-SQ- HQ đó, cho dù chỉ là ở cấp thiếu úy (muôn đời), vẫn là nền tảng sống hùng sống đẹp, sống bất khuất, sống cầu toàn lẫn cầu tiến để vươn lên, và để thích ứng với mọi hoàn cảnh, theo đúng phương châm trui rèn cái cốt cách “chỉ tinh thần mới là quan trọng”, cả trong trại tù hay ra khỏi nước.

2- “Thực Tập” lâu nhất:
Có (nhiều) bạn ghi danh gia nhập HQ từ thời Đệ Nhị Nam Dương (K22), nhưng, vì danh sách tình nguyện quá dài, quá đông, nên sau mấy tháng căn bản quân sự Quang Trung, cứ bị (hay được) đưa lên tàu “thực tập” (nhiều loại việc thập cẩm) trong thời gian chờ đợi đến phiên nhập khóa 24 Nha Trang. Hệ quả là cho tới lúc đứt phim gãy gánh tháng Tư 1975, tính ra đã gần trọn 6 năm rề rà chưa có thêm 1 vạch mỏng trên vai. Tiếng là học khóa 2 năm, mà bị treo lon trung úy chậm hơn cả các bạn đồng lứa vào Võ Bị học khóa 4 năm! Ngược lại, chính nhờ thời gian thực tập triền miên này mà phần lớn các bạn 24 đã quen sóng, quen gió, quen việc, quen tàu, quen thả neo, quen cặp cầu, quen cả bao nhiêu thuyền tình bến nước… trước khi chính thức vào trường.

3- Khóa đầu tiên thao dượt căn bản quân sự ở Cam Ranh:
Hăm bốn có tổng cộng trên dưới 280 sinh viên lúc nhập khóa, trong đó có khoảng đâu đó 80 người là những SVSQ HQ đầu tiên được học 3 tháng căn bản quân sự ở Cam Ranh (biển xanh cát trắng), thay vì Quang Trung (nắng cháy da người). Chương trình căn bản quân sự này phần nào tách rời khỏi chương trình huấn luyện nặng tính lục quân tổng quát. Trám vào đó là những bài học quân phong quân cách đặc thù HQ, kể cả hướng đào tạo một nếp sống lịch lãm chứ không chỉ hào hoa, hào phóng, hay hào hùng, (và lắm khi …hào sảng) của người SQ HQ VNCH. Ở đây, những sinh viên dân sự vừa mới bắt đầu làm quen đời sống quân sự, lại được ưu đãi bằng phương tiện sẵn có của những căn cứ quân đội Hoa Kỳ để lại, nên có phần nào thoải mái hòa nhập vào đời lính qua ngả …vườn thượng uyển (hoàng gia ngự yến): Tự điều hành sinh hoạt trại (trong tinh thần tự chủ, tự do và tự giác). Ra sân tập hay ra trường bắn bằng xe buýt có máy lạnh. Hưởng quy chế ẩm thực tự lập, tự kê, tự kiểm, tự kết toán. Qua Mỹ Ca uống cà phê hay ăn mì bò tái kèm bia 33, nghe nhạc bằng máy Akai/Sansui. Làm quen với các bạn người nhái đang được huấn luyện bên trường hàng xóm v.v…

4- Khóa nổi tiếng có Ban Văn Nghệ hay nhất Nha Trang:
Không phải là niềm tự hào suông của khóa. Đây chỉ là nhận xét hay đánh giá (hoàn toàn khách quan?) của tập thể các nữ sinh Nha Trang (niên khóa 71-72 và 72-73), kể cả nữ sinh trường dòng Thánh Tâm có các dì Soeur nghiêm hơn quân cảnh. Cũng có thể kể thêm nhận xét tương tự của các nữ sinh viên Văn khoa và Dược khoa từ Sài Gòn ra Nha Trang (hay chính SV SQ các trường Không Quân và Đồng Đế được mời) tham dự các đêm dạ vũ ra khơi của SVSQ HQ Nha Trang. Có được cái nhận xét dễ thương vừa nói đó cũng chẳng phải dễ dàng gì. Ban Văn nghệ Đệ Nhị Song Ngư may mắn có được người trưởng ban là anh Lương Ngọc Tâm, vốn là nhạc trưởng Ban tam ca Ba Con Mèo (The Cat-Trio) nổi tiếng các phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn. Dày nhạc lý, dày kinh nghiệm huấn luyện, và dày cả số tuổi lẫn cung cách ứng xử truyền nghề, anh Tâm đã khảy Bass hướng dẫn toàn ban văn nghệ của khóa đi vào nền nếp (nghệ thuật có kỷ luật). Nhạc chọn lọc. Chơi điêu luyện. Điệu luân phiên. Từ Paso Doble khai vị tới Valse xoay vòng, không thiếu món chi. Đặc biệt, anh Tâm có giọng hát tuyệt vời khi trình bày những bài nhạc Anh ngữ (Only You, Yellow Bird, Greenfield v.v…) chẳng khác gì những ca sĩ nguyên gốc (là tác giả) của những bài hát đó. Không mê sao được? Thêm một điểm son khác, là anh Lương Ngọc Tâm đã sáng tác bài nhạc hào hùng SVSQ HQ Hành Khúc, một niềm hứng khởi chưa thấy ở các khóa trước hay sau 24.

5- Khóa duy nhất khởi xướng xây dựng công viên tượng đài Thánh Tổ HQ ngay trước cổng trường: Đệ Nhị Song Ngư, trước khi ra khơi, đã để lại cho mái nhà Nha Trang thân yêu một dấu ấn sâu đậm: Công viên Tượng đài Thánh Tổ Hải Quân, ngay trước cổng quân trường. Các ban ngành của khóa đã phối hợp nhịp nhàng cùng nhau đánh vật với gió, với cát, với nắng biển chói chang, với mưa dầm thúi đất, (và lắm khi là cả …với nhau), trong gần suốt hai năm thụ huấn ở đây, để hoàn thành một công tác lớn trước giờ chưa từng có, và trở thành một điểm son còn mãi của Nha Trang cho đến nay, 2023. Ban Trang Trí chủ xị phần thiết lập bản vẽ và trình tự xây dựng, cả tượng đài lẫn công viên. Niên trưởng Trung tá Hiệu phó Trần Văn Nhựt duyệt kế hoạch, cung cấp vật liệu và theo dõi, đôn đốc. Các ban Tu Trang, Điện Khí, và cả Ban 1 điều động luân phiên cả khóa 24, cộng thêm dàn SV Cán bộ đàn em đã huy động các Alpha 25 thời mới vào trường góp sức lao động ngoài giờ lên lớp. Không có sĩ quan cán bộ nào của Liên đoàn SVSQ (24+25) dự phần ở đây, một khi 24 bảo đảm hoàn thành công tác trước khi rời trường. Và đã giữ đúng lời hứa.

6- Khóa đầu tiên học đủ 24 tháng và có 6 tháng không đàn anh không đàn em:
Tháng 9-1971, Song Ngư II bì bõm lội nước từ bãi đổ bộ lên bờ cát trước cổng trường và được các “đao phủ thủ” 23 tận tình hét hò chào đón.
Tháng 3-1972, 24 tiễn đàn anh 23 mãn khóa.
Tháng 9-1972, lặp lại truyền thống hét hò chào đón đàn em 25 vào trường.
Tháng 9-1973, Song Ngư II từng cặp vẫy đuôi ra biển.
Tức là, từ tháng 3 đến tháng 9-1972, Song Ngư II có nguyên cả mùa Hè lẫn mùa Thu được “làm vua một cõi” quân trường: Không còn đàn anh, cũng chưa có đàn em. Có lẽ mỗi bạn 24 đều có một cách riêng để trả lời câu hỏi “làm vua là làm gì” trong 6 tháng “hoàng kim” đó. Tuy nhiên, nhìn bao quát chung chung, thì rõ ràng đó là thời điểm mà cả SV 24 (nhảy rào) lẫn sĩ quan cán bộ (đường hoàng) vào rạp coi chung với nhau những bộ phim (nức tiếng cả thế giới) vừa mới ráp xong phần phụ đề Việt ngữ thời đó, như: Doctor Zhivago, Love Story, Romeo & Juliette… Hoặc giả, tận dụng thời “quân nhàn”, các bạn trong ban Văn Nghệ tăng cường tập dợt những bài hát mới. Các bạn trong ban Trang Trí vẽ thêm tranh tự do, hay chuẩn bị phác thảo hình thức/nội dung quyển Kỷ Yếu của khóa…. Đó là thời yên bình vắng tiếng đàn anh sang phạt vạ tập thể (có tính văn nghệ), kiểu “phòng này, móc giò” hay “tập họp sân cát, giày 10 giờ 10”… chẳng hạn. Cũng không còn bóng dáng đàn anh lảng vảng trong phạn xá, hét tướng “lua thêm chén nữa đi anh” v.v… Nhưng, có lẽ đáng nhớ nhất là những chuyến đi bờ chính thức không bị SV cán bộ đàn anh thanh tra hạnh họe từng ly từng tý, hoặc điêu ngoa mắng mỏ bọn đàn em đi bờ về lại trường là vi phạm thế này thế khác (toàn những điều đã căn dặn trước) về quân phong quân kỷ… Nhìn ở một góc khác rộng hơn, thì đây là thời điểm chấm dứt tình trạng tổng động viên và đào tạo sĩ quan khẩn cấp theo nhu cầu chiến trường, đặc biệt là chiến trường sông rạch. Tức là không còn những khóa OCS cấp tốc học tập 6 tháng ở Hoa Kỳ, hay các khóa Nha Trang 12 tháng (chia đôi Chỉ Huy/Cơ Khí), từ khóa 19 đến khóa 23. Chương trình huấn luyện 24 tháng, kể từ khóa 24, do vậy, cũng thay đổi: SV học gộp cả hai phần Chỉ Huy lẫn Cơ Khí. SV được thực tập vận hành LCVP ở Cầu Đá. SV có 1 tháng thực tập trực tiếp và quy củ (theo đúng vị trí vai trò SVSQ) trên các dương vận hạm hay hải vận hạm, theo 2 trục rời Bắc-Nam. SV được tham gia khảo sát hoạt động của các Hải đội, Duyên đoàn, Đài kiểm báo v.v… Nghĩa là SV được trang bị thực tiễn mó tay vào một mớ kiến thức hàng hải và cả tổ chức phòng vệ duyên hải tương đối đầy đủ hơn. Phần nào giúp cho SV thêm tự tin và có sẵn trong đầu những ưu tiên chọn lựa lúc ra trường.

7- Khóa đầu tiên chưa kịp gắn alpha đã có các đại úy giang cảnh đến học “quá giang”:
Từ những ngày đầu huấn nhục, SV 24 đã được giới thiệu những học viên bổ túc/tu nghiệp được gửi đến từ các cơ quan giang cảnh (của Bộ Nội Vụ?), để học cùng, trong khoảng nửa năm. Phần lớn các bạn này đã mang lon Biên tập viên Cảnh sát (tương đương đại úy bên quân đội), và được miễn phần huấn nhục, chỉ đứng thao diễn nghỉ bên cạnh thao diễn trường để theo dõi cảnh K23 (cầu vai Alpha Omega) quay K24 (chưa gắn Alpha), trước khi cả 3 bên vào lớp. Nói chung là tiến triển tốt, phòng ai nấy ở, phần ai nấy học. Không va chạm gì nhau, bởi đều cùng trang lứa và cùng hoàn cảnh xa gia đình trong thời chiến.

8- Khóa duy nhất về Sài Gòn diễn hành Ngày Quân Lực:
Giữa tháng 6-1973, Song Ngư II cùng các bạn SVSQ bên trường Không Quân và Đồng Đế cùng đi trong một đoàn Convoy GMC, có hộ tống vũ trang trên bộ lẫn trên không, từ Nha Trang về Sài Gòn tham dự diễn hành nhân Ngày Quân Lực 19 tháng 6. Đến Phan Rang, đoàn xe dừng lại. SV được phát những bịch cơm sấy, tự rót nước vào và nấu bằng sức nóng nhựa đường, để ăn tạm, trong lúc chờ một đoàn xe khác của trường Võ Bị Liên Quân và trường Chiến Tranh Chính Trị từ Đà Lạt đổ đèo Ngoạn Mục xuống dải đồng bằng giáp biển. Vui mừng và cảm động biết bao, khi các bạn (khắp nơi) từng học cùng lớp thời trung học hay đại học, từng chia tay tứ tán vào các quân trường, nay có dịp í ới gọi tìm nhau ngay giữa những đồi cát bỏng nắng Phan Rang. Rồi thì lại í ới hẹn nhau, cả trước lẫn sau diễn hành, ở những quán cà phê “huyền thoại” như Lú (Thị Nghè), Hồng (Pasteur), Thu Hương (đường Hai Bà Trưng), Hân (Đa Kao), Hầm Gió (đường Võ Tánh)…; thời thượng là các quán Hạ Trắng, Diễm Xưa, Lệ Đá, Hương Xưa, Da Vàng…; bình dân là cà phê vớ Năm Dưỡng (ngả sáu Cộng Hòa); hay quý phái là Thanh Bạch, La Pagode, Givral, Brodard… Sau diễn hành là mấy ngày phép thưởng, dại gì không hưởng? Nhiều bạn có nhà ở Sài Gòn lại tự động rủ rê các bạn khác ở tỉnh về ở chung chỗ với nhau, cho vui, cho tiện. Chẳng biết sau những dịp rủ rê nhau bất chợt thế này có ai thống kê được bao nhiêu trường hợp các bạn đồng khóa trở thành anh vợ-em rể không?

9- Khóa duy nhất có 2 thiếu úy hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974:
Đó là hai bạn Vũ Đình Huân (HQ10) & Nguyễn PhúcXá (HQ04).
Chẳng nghe ai nói là bạn Vũ Đình Huân có họ hàng gần xa gì với Phó đề đốc Tư lệnh Vùng III Duyên hải Vũ Đình Đào hay không. Có lẽ chỉ là 1 trùng hợp phần đầu danh tánh. Lúc ở trường, bạn Huân giỏi Anh văn, được xếp vào Đại đội 1. Ít nói, không thích đùa. Ra trường đậu hạng cao, chọn ngay đơn vị đã tính trước (nhiều phần đã từng thực tập từ trước) là HQ10. Bạn Nguyễn Phúc Xá được anh em biết nhiều từ thời quân trường, do trách vụ Trưởng ban Ẩm thực (Tư lệnh Phạn xá). Tính tình vui vẻ, sởi lởi, nhưng rất nghiêm túc trong công việc. Tinh thần phục vụ không nệ hà, và cũng chẳng cần phân bua điều gì, với ai. Đã có nhiều bài viết về trận hải chiến hào hùng mà HQ VNCH đã chủ động bắn trước này. Và cho dù là từ phía nào, các bài viết đó đều công nhận đây là một trận hải chiến thực sự, với những đặc tính chiến đấu anh dũng, nếu phải so cùng trận thảm sát Gạc Ma vào tháng 3-1988 sau đó. Trong tinh thần chiến đấu anh dũng vừa nói, hai bạn Vũ Đình Huân và Nguyễn Phúc Xá, vừa mới rời trường chưa đầy 4 tháng, đã được vinh thăng Trung úy (với nhành dương liễu).

10- Khóa duy nhất có 1 thiếu úy dám đóng bè vượt biển: Trung đội 8/Đại đội 3 có 2 bạn được xếp tên vào danh sách khít nhau là Nguyễn Hữu Ba (Kỹ thuật Quy Nhơn) và Nguyễn Văn Bôn (Kỹ thuật Vĩnh Long). Nó vận vào tương lai Bôn-Ba hết cả trung đội (và có khi là cả khóa, không chừng). Sau thời gian tù cải tạo (thực chất là lao cải, đọa đày tới chết), K24 (không khác gì các khóa khác, đều) tan tác thời hậu cải tạo. Có người về ghi danh lại đại học và ra trường bác sĩ. Có người về điều hành cơ ngơi kinh doanh của gia đình ở Chợ Lớn. Có người về quê làm ruộng. Có (nhiều) người tìm 1 công việc tạm bợ nào đó (không cần nhiều vốn) để sống qua ngày mà chờ thời, như chạy thuốc tây hay đạp xích lô, chẳng hạn… Hầu hết, bằng cách này hay cách khác, đều tìm đường vượt biên vượt biển. Trong đó, SQ HQ được các chủ ghe tin tưởng hơn cả, vì biết rằng họ ít nhiều có sẵn những kiến thức hải hành căn bản. Nhưng không phải ai cũng có may mắn bắt đúng tần số liên lạc, hay có chút vốn vàng thỏi để nói chuyện hợp đồng với các chủ ghe. Nguyễn Hữu Ba là 1 trong những người thuộc dạng kém may đó. Rồi, tự tin vào vốn liếng kỹ thuật lẫn hải quân, bạn ta lên kế hoạch kết bè bằng 7 ruột xe hơi, tính đường vượt biển đi tìm tự do. Chi tiết cuộc chơi (gộp đủ tính chất lãng mạn thì ít mà liều mạng hơi nhiều) này được chính tác giả ghi lại trong nhiều bài ký, có đăng trên trang mạng K24. Dù gì đi nữa, bất kể thành công hay không, đây cũng là một kiểu đột phá hiếm có ở các khóa trước và sau 24. Và, mới thấy, hai chữ Tự Do nó lớn hơn sinh mạng con người biết bao!

11- Khóa duy nhất có 1 thiếu úy HQ VN trở thành đại tá HQ Canada:
Chính thức vượt ra khỏi vòng đai “Muôn đời Thiếu úy” của K24, có lẽ chỉ có bạn Nguyễn Ngọc Cảnh. Bạn Cảnh giỏi Anh ngữ, định cư ở Canada, học lại Hàng Hải, gia nhập HQ Gia Nã Đại. Mấy thập niên sau, đã thăng cấp đóng lon đại tá. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong gia đình SQ của tất cả các khóa Nha Trang. Bạn Cảnh có một trang Facebook cá nhân, với nhiều chi tiết hơn cho các bạn nào cần liên lạc/tham khảo:
https://www.facebook.com/canh.n.nguyen

12- Khóa duy nhất có 1 thiếu úy hy sinh trên chiến trường rừng núi sau năm 1975: Bạn Trần Thiện Khải sinh năm 1949, gốc gác Phan Thiết, vai chú của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Năm 1975, bạn Khải di tản sang Mỹ, gặp gỡ rồi chia tay các bạn khác cùng ở chung trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Khải về bang Rode Island, học lại chương trình Kỹ sư. Năm 1982, bạn Khải gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Việt Nam, về vùng tam-biên-ngoài Thái-Miên-Lào, lập chiến khu, dựng đài phát thanh Việt Nam Kháng Chiến, dự trù trở về đất mẹ qua ngả tam-biên-trong Việt-Miên-Lào, để thành lập các Ủy Ban Kháng Quản cấp tỉnh. Năm 1987, trên đường thâm nhập, còn cách Kon Tum khoảng 20 cây số, đoàn bị CSVN tấn công biển người, bạn Khải tuẫn tiết trên chiến trường rừng núi Nam Lào, vào ngày 28-8-1987. Vẫn còn là thiếu úy. Trần Thiện Khải để lại cho đời rất nhiều bài nhạc đấu tranh của một giai đoạn chuyển đổi tâm lý người Việt từ buông xuôi sang quật khởi. Tiêu biểu là tập nhạc Trăng Chiến Khu, với bài nhạc cùng tên đã được một vị giáo sư Nhật Bản dựng nên một vở nhạc kịch, bằng tiếng Nhật. Trần Thiện Khải để lại cho 24 một lời nhắn ân cần: “Đừng quên Việt Nam. Đừng quên Sài Gòn đã bị xóa tên. Làm gì cũng phải nhớ đến lần cả bọn trôi ra biển…”. Mời các bạn ghé mắt đọc qua một bài ký, có nhiều chi tiết hơn về bạn Khải, được ghi lại trên trang web dưới đây:

https://luongvanmy1952.wixsite.com/k24denhisongngu/
post/tr%C4%83ng-kh%E1%BA%A3i

Bạn Nguyễn Hòa Nguyên (Houston) cũng có một bài ký viết về bạn Trần Thiện Khải. Hy vọng là nếu bạn Nguyên còn giữ bản electronic, sẽ chịu khó chia sẻ lên trang 24 cho anh em cùng đọc.

13- Khóa duy nhất có 2 thiếu úy làm chủ nhiệm/chủ bút 3 tờ báo lớn sau 1975: Đó là các tờ báo Việt Luận (Bùi Kế Giản), và Kháng Chiến-Canh Tân (Lương Văn Mỹ). Bạn Bùi Kế Giản, cùng với bạn Ngô Phúc, là 2 người viết chữ đẹp nhất nhì cả khóa (chứng cứ còn nằm trên mỗi trang Kỷ Yếu 24). Bạn Giản định cư ở Úc, có được cơ duyên cộng tác với một số bằng hữu văn nghệ để cùng điều hành tờ Việt Luận (báo in giấy), phục vụ cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở Sydney từ những năm 1980s của thế kỷ trước. Có lúc tờ Việt Luận được phổ biến như một nhật báo nổi tiếng (không chỉ ở Úc). Bạn Bùi Kế Giản còn nổi tiếng hơn nữa, là viết báo …bằng viết Bic. Tức là không dùng máy đánh chữ hay computer (hình như cho tới giờ này cũng vẫn chưa đổi ý). Chỉ thoăn thoắt tuồn những điều suy nghĩ sắp sẵn trong đầu chạy ra ngón tay thành chữ, thành câu, thành đoạn, thành bài, mà không cần bôi xóa hay sửa đổi gì cả. Rồi thì, tất nhiên phải có ai đó chịu khó gõ lại trước khi lên bản kẽm đi in. Có người bảo đó là thiên tài. Cũng có người lý giải rằng đó chỉ là thói quen từ dạo thi sĩ Gia Du - Bùi Kế Giản làm thơ tình (theo trường phái Phạm Thiên Thư) lúc mới quen tiểu thư (Ngày Xưa) Hoàng Thị (Như Ái?) ở Huế. Gì thì gì, Giản 24 vẫn là trụ cột của Việt Luận, và là trụ cột cho cả hội trường Đồng Tâm của nhà thơ Hoàng Phong Linh – Võ Đại Tôn ở Úc. Còn báo Kháng Chiến (San Jose, California, Hoa Kỳ) là một nguyệt san, phục vụ độc giả dài hạn lẫn trên đường phố, chủ yếu ở Mỹ và ở một số nước ở Âu và Úc châu. Thời đó, báo Kháng Chiến còn sử dụng hệ thống cơ học & quang học của các máy Typeset to bằng 2 cái bàn làm việc. Chữ tiếng Việt được gõ theo kiểu máy đánh chữ thời xưa (dấu trước chữ sau), máy sẽ xoay 1 vòng đĩa nhựa (mỗi đĩa chứa một co chữ và một cỡ chữ) để chọn đúng mẫu tự vừa gõ, xong rọi ánh sáng qua khung chữ cái vừa chọn trên đĩa đó lên phim. Sau đó, phim được rửa ra giấy Kodak trong phòng tối như bên nhiếp ảnh. Kế nữa là công đoạn cắt dán mớ giấy đó, sắp xếp thành từng cột lên khung báo, cộng thêm hình ảnh đã chạy Halftone đen trắng, trước khi đưa đi chụp bản kẽm rồi lên máy in. Công việc đầu tiên của thiếu úy Mỹ khi về tòa soạn này làm việc toàn thời, tháng 9 năm 1988, là chuyển đổi hệ thống quang-cơ nhiêu khê đó sang hệ thống Desktop Publishing đơn giản, sử dụng IBM PC, các ổ đĩa mềm Floppy 5.5 inch, HP laser printer, và các software gõ chữ có dấu tiếng Việt (thông dụng nhất là VNI của VNI Software Company, và VPSkeys của Hội Chuyên Gia VN sau này). Đây là một chuyện rất bình thường thời nay, thậm chí còn là tụt hậu, nhưng ở vào thời điểm 35 năm trước, đó là chuyện lớn. Lớn nhất là phần vận động và huấn luyện nhân sự. Phải mất 3 tháng mới hoàn tất được giai đoạn chuyển tiếp, cả vật lý máy móc lẫn tâm lý quen tay quen việc của nhân viên tòa soạn. Một hiệu ứng phụ do hệ quả chuyển đổi đó mà báo Kháng Chiến cũng biến dạng từ khổ tabloid to bản sang khổ magazine nhỏ gọn. Cũng trong thời gian chăm sóc hình thức và nội dung báo Kháng Chiến này, thiếu úy Mỹ được gặp thiếu úy Phạm Trọng Phúc làm việc toàn thời trong một bộ phận khác của cùng tổ chức. Đến năm 1990, Lương Văn Mỹ lãnh nhiệm vụ mới là gầy dựng nguyệt san Canh Tân.

Về mặt ngoại hình, đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở hải ngoại được in offset 6 màu trên giấy mỏng theo kiểu báo Time hay The Economist Magazine, với tranh ảnh đi bìa của các họa sĩ Nguyên Khai, Hồ Thành Đức, Bé Ký, Lê Quang Xuân, Nguyễn Ngọc Hạnh... Về mặt văn thơ lẫn chính luận, Canh Tân là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở hải ngoại quy tụ được trên 100 cây bút nổi tiếng cộng tác đều đặn, kể cả Hoàng Hải Thủy cập nhật thời sự từ trong nước; Cao Tần-Lê Tất Điều-Kiều Phong (Chân Dung Bác Hồ) ở San Diego; Nguyễn Hữu Nhật (Tù Phụ/Nghe Tiếng Người Ta Khóc) ở Na Uy; Bắc Phong (Gặp nhau từ phá núi khai sông) ở Canada; hay Nguyễn Đức Lập (Phong Vũ Tiêu Tiêu, Lôi Vũ Động) ở Santa Anna v.v... Canh Tân có một góc phiếm luận gai góc mang tên là “Vườn Xương Rồng”, do chủ biên/chủ bút Lương Văn Mỹ (dưới bút hiệu Lê Khuyết Danh) kiêm nhiệm quán xuyến, cả 2 tiểu mục trong đó là “Canh Chua”, và “Khổng Tước Phủ” (tức là Phủ Con Công, nhưng làm ơn đừng nói láy), kéo dài cho đến năm 1992 thì chấm dứt, để về nước làm việc. Lần về nước đầu tiên năm 1992 còn được gặp các bạn Lê Văn Đại, Nguyễn Văn Chuộng… cùng một số bạn bấy giờ đang chờ đợi những đợt HO cuối, như Nguyễn Văn Bôn, Trần Thanh Vân, Bùi Văn Rê, Phạm Hùng Dũng, Nguyễn Ngọc Toàn… Đó cũng là một chuyến công tác nối kết nhân sĩ đầy cảm xúc, khi được (lần đầu tiên trong đời) vượt sông Bến Hải ra tận Hà Nội/Hà Đông, và được gặp gỡ những người trước đó chỉ từng biết tên qua sách vở.

14- Khóa nổi tiếng sinh hoạt gia đình, như anh em một nhà:
Hăm Bốn có truyền thống tương thân tương ái (và cả tương tương lân, tương ứng, tương cầu), ngay từ thời kéo cát quân trường. Còn nhớ một chuyện cá nhân: Lương Văn Mỹ không được đại úy Phạm Huy Hy ký phép (vì nghi là điện tín giả), bèn tự ý nhảy rào ra bến xe mua vé về quê chịu tang ông Ngoại (là người nuôi dạy đương sự từ nhỏ ở Mỹ Tho). Trên chuyến xe về Sài Gòn, Lương Văn Mỹ (điện tín thật mà không có giấy phép) phải chen vào ngồi giữa Lê Văn Lưỡng và Phạm Văn Là (cũng thuộc trung đội 8, cả hai đều dùng điện tín giả mà có giấy phép thật). Sau tang lễ ở quê, chừng trở ra trình diện, thì Lương Văn Mỹ bị đại úy Hy ký phạt 8 ngày trọng cấm, nằm kho vũ khí của bạn Trương Công Cắt, để gặm nhấm câu chuyện bi hài nghe anh em trung đội 8 kể lại: Tối hôm nhảy rào đó, đại úy Hy báo trước cho thiếu úy Lạch điểm danh thật kỹ. Bạn Phan Văn Ngà trực gác đêm đó, bỏ vọng gác chạy về thao diễn trường điểm danh thế cho Lương Văn Mỹ. Không ngờ thiếu úy Lạch nhận ra: “Anh đâu phải Lương Văn Mỹ! Anh là người nổi tiếng giả giọng ông Trần Văn Hương kêu gọi cứu lụt kia mà!”, khiến cả trung đội cười rộ. Ngà thương bạn mà chịu phạt lây. Sau biến cố 75, có không ít những câu chuyện kể cảm động về tinh thần bảo bọc lấy nhau của các bạn 24, ngay trong tù cải tạo, hay sau tù cải tạo. Không chỉ giữa những bạn 24, mà luôn cả gia đình vợ con của 24. Cứ hỏi dăm ba chuyện tiêu biểu thời đó giữa đôi vợ chồng son Phạm Văn Là với cu ky Nguyễn Tấn Phát ở Sài Gòn, theo kiểu lá rách đùm lá tả tơi, rồi nhân rộng ra rất nhiều trường hợp khác, thì rõ. Có áo tặng áo. Có gạo biếu gạo. Đã gần nửa thế kỷ nay, vẫn vậy. Nhóm tương trợ 24 vẫn miệt mài làm việc đều đặn, như một sợi dây neo tình cảm 24 karat nối liền hai bờ Thái Bình Dương. Có phải thiếu tá Nguyễn Dinh nhận xét 24 khác thường là từ cái mẫu số chung bền bỉ đến hiếm có đó chăng?

Tạm gút
24 là một trong những khóa đông người nhất của quân trường HQ Nha Trang. Đến khi di tản hay vượt biên, HO, đoàn tụ… ở Mỹ và các nước, có thể cũng vẫn là con số đông nhất, so với các khóa khác. Phần lớn các thiếu úy 24 (chưa lập gia đình bấy giờ, nên) có nhiều cơ hội ghi danh học lại các chương trình cao đẳng hay đại học. Vì vậy, có lẽ còn một số “khác thường” riêng lẻ khác nữa, là những thành công (học vấn, phát minh, thơ nhạc, thương mại, tài chánh, kỹ thuật, xã hội…) ở dạng cá nhân (nên không thể gộp chung cả khóa). Có bạn cho rằng đó là việc riêng của từng người. Cũng có bạn bảo đó là thành quả của Tự Do tác động lên sự phát triển tiềm năng cá nhân. Lại cũng có bạn cho rằng đó là một cách bồi hoàn ơn nghĩa xã hội (pay back) đối với quốc gia sở tại đã cưu mang những người lính thất trận phải thất thểu đi tìm tự do. Những thành công này có nhiều, nhưng phần lớn chỉ nghe qua chuyện kể đó đây bên tách cà phê hay bên bàn rượu. 24 chưa có dịp tổng hợp có hệ thống những thành công riêng lẻ đó, không phải là để so bì, khoe nhau hay lòe nhau, mà để biết nhau, hiểu nhau, thương nhau, và trân quý hãnh diện vì nhau hay với nhau nhiều hơn. Ví dụ 1 là trường hợp bạn Nguyễn Văn Quý, từ năm 1982, ở Tulsa, Oklahoma, đã thành công trong công tác xây dựng phần mềm Stimulation huấn luyện phi công Boeing trên khoang lái máy bay thật có trang bị nhiều hệ thống thủy lực mô phỏng chuyến bay (giữa 2 phi trường tự chọn, vào ban ngày hay ban đêm cũng tự chọn) theo cách điều khiển của học viên (mà thiếu úy Mỹ cùng vợ mới cưới bấy giờ từng được bạn Quý mời lên lái thử). Ví dụ 2 là trường hợp bản thân Lương Văn Mỹ, năm 1987, ở Dallas, Texas, đã thành công sáng tạo phần mềm Point of Sale at the Gas Bump System (viết bằng IBM CICS, Cobol, Assembler…). Nói nôm na đó là hệ thống cà thẻ tín dụng để đổ xăng ngay tại trụ bơm xăng (vào khúc đầu của kỷ nguyên tự phục vụ), trước tiên là cho hãng Shell, rồi Total, BP, Mobil, Esso, Caltex, Chevron… đến cuối bảng là Arco, và vẫn còn chạy tốt mấy chục năm qua (thành ra mỗi lần ghé đổ xăng là các bạn có thể nhớ tới tác giả và nhắc tên 1 thiếu úy đồng khóa, cho tới khi nào các bạn đổi sang xe điện Tesla). Còn rất nhiều ví dụ khác nữa, chưa khui, của Nguyễn Sáng Chiếu, của Nguyễn Đỗ Thiện, của Võ Đại Vạn, của Nguyễn Cửu Chi, của Lê Lộc Hiệp, của Trần Văn Thuận v.v… Sẽ rất vui được thấy các bạn 24 hăng hái hưởng ứng sớm đóng góp cho khóa những bài viết về mọi thành tựu trong công việc (khoa học/xã hội/nhân văn) của các bạn, như một góc khác của niềm hãnh diện 24 mênh mông, mênh mông. Nên chăng, web 24 cần sớm thiết lập thêm 1 góc “Chuyện Chúng Mình” ?



24 Lương Văn Mỹ (July 04 ➜ 14 Juillet, 2023)
Ba bài Thơ Trích Từ Tập Thơ: “ÂM VỌNG”

Sáng Tác:
Nguyễn Ngọc My bút hiệu Nguyên An Lê CHS PCT Niên Khóa 1963-1970
Sáng tác viết tay và tự đóng thành tập tặng bạn cùng lớp vào 7, 1970 năm rời trường.




Nguyễn Ngọc My
CHÚC MỪNG ĐH50 KHÓA 24 !

Chúc các bạn và gia đình Đệ Nhị̣ Song Ngư thật nhiều an vui và ý nghĩa trong dịp ĐH 50 của khóa chúng ta!
Tiếc quá vì lý do sức khỏe nên vc mình không thể tham dự trong dịp trọng đại hội này được.
Hẹn cac bạn vào dịp khác.
Cũng cám ơn BTC nhiều !

Tình thân 24,
TH Văn



Triệu hữu Văn
Bạn bè đã trông mong gặp lại bạn hiền để nghe thêm sáng tác mới “ Hồng…Hồng, Tuyết..Tuyết… hỉ…hỉ… ” như bạn đã hứa ca tặng trong ngày họp khóa. Thật tiếc là bạn và phu nhân không về được trong dịp hội ngộ kỳ này.
Chúc vợ chồng bạn lấy lại nhiều sức khỏe và hẹn gặp vào một dịp khác.

Trần văn Thuận

CHÚC MỪNG ĐH50 KHÓA 24

Chào bạn TH Văn và các bạn.

BTC Đại Hội cám ơn thật nhiều những lời chúc tốt đẹp của bạn Văn và các bạn khắp nơi gởi về. Rất tiếc sự vắng mặt của gia đình bạn Văn cũng như nhiều bạn 24 khác nữa trong lần hội ngộ của khóa thật đặc biệt năm nay tại Nam Cali. Tuy nhiên, qua tờ Đặc San Kỷ Niệm 50 Năm Ra Khơi của K24 do bạn Bùi Tấn Khanh thực hiện, bạn Văn và các bạn 24 khắp nơi không về tham dự Đại Hội được nhưng vẫn có thể có mặt và sinh hoạt với Đại Hội qua việc đóng góp những bài vở, hình ảnh, những mẩu chuyện vui vui gợi nhớ những kỷ niệm của khóa chúng ta trong quá khứ. Nếu như bạn Văn viết lại, hát lại và thu video rồi cho đăng trên Đặc San bài ca trù (?) đã hát trên xe bus trong chuyến K24 đi tour 5 năm trước đây trên vùng Las Vegas Nevada lúc Đại Hội 45, bạn mà gởi thêm vào Đặc San vài sáng tác nữa là tuyệt cú mèo!. Các bạn 24 khác cũng " bị " ở nhà không về Cali được vì những lý do khác nhau hãy cùng tìm mục gì đó để đóng góp vào Đặc San các bạn nhé. Bất cứ tiết mục gì của các bạn cho đăng trong Đặc San sẽ là món ăn tinh thần rất quý cho chúng ta trong kỳ Đại Hội năm nay và sẽ được lưu giữ mãi về sau.

Tại Nam Cali hiện giờ không khí của ngày Đại Hội đang rất vui vẻ nhộn nhịp. Các bạn ở xa một số đã đến và nhiều gia đình sẽ có mặt nội ngày hôm nay và ngày mai. BTC và gia đình K24 Nam Cali rất vui mừng và hân hoan chào đón các bạn.

Cầu chúc mọi người lên đường về tham dự ngày Đại Hội được bình an và tất cả các bạn ở nhà và gia quyến luôn được an lành khỏe mạnh.

Mến chào.

BTC/ĐH50/K24
Nguyễn Văn Cửu

Trần kim Lân trình diện sáng nay.
Hẹn gặp các bạn


Suy Đoán Tính Tình

Qua Màu Sắc Yêu Thích

“Hãy nói cho tôi biết bạn thích màu nào. Tôi sẽ nói tính tình bạn ra sao”.

Màu Nâu Hạt Dẻ:
Bạn là người trung thực. Bạn yêu sự thật và chỉ nô lệ cho cái đầu của chính mình. Bạn trân quý từng chữ trong bài thơ Lời Mẹ Dặn của thi sĩ Phùng Quán. Bạn thích màu nâu, nhưng không phải màu nâu già cỗi của nhụy hoa hướng dương. Bởi vì “mênh mông trời đất vô thường, lẽ đâu chỉ biết một phương mặt trời?”. Bạn yêu thích thông tin nhiều chiều, xét nhìn mỗi sự kiện dưới nhiều góc cạnh, qua nhiều lăng kính. Bạn sẵn sàng tin tưởng người đối diện. Nhưng chắc chắn bạn không thể chấp nhận để cho họ lợi dụng sự tin cậy đó mà áp đảo bạn. Nếu họ phản bội lòng tin của bạn hay của người chung quanh, bạn vẫn thường là người đầu tiên nói rõ điều đó cho họ và cho cả những người chung quanh đều biết để có thái độ ứng xử thích hợp với họ. Tính trung thực đòi hỏi ở bạn một cách sống độc lập. “Dù yêu tất cả tiếng người, sao tôi vẫn ghét những lời nói chung. Tâm hồn ta đẹp vô cùng, lẽ đâu ngôn ngữ đóng khung hẹp hòi?”. Tư duy thông thoáng, nhưng độc lập. Không chờ ai nghĩ dùm hay nói hộ. Cũng không thể tin vào một hệ thống truyền thông một chiều rồi dựng tường lửa chặn bít các chiều còn lại. Mẫu người trung thực của bạn thường có những nhận định chính xác, sâu sắc cho từng vụ việc. “Cầm bút với lòng tự hào, lưỡi không chịu uốn đời nào ngòi cong”. Đó là thiên tính rất cần và lẽ ra phải có của giới làm báo và truyền thanh. Bạn sẽ thành công với những góp ý thẳng thắn trên mục “Bạn đọc viết” của các báo. Đó cũng là một cách thao dượt để trở thành những cây bút nghiệp dư nhưng rất đáng tự hào.

Màu Vàng Vỏ Chanh:
Bạn là người công minh. Bạn yêu thơ, thích nhạc, yêu người, yêu đời, nhưng nhất định không chịu được kẻ ác và việc ác. Bạn sẵn sàng ứng xử bằng tình người với mọi người chung quanh, kể cả những kẻ chức quyền thiếu nhân cách. Nhưng chắc chắn bạn không bao giờ muốn tưởng thưởng cho những kẻ tóm thu rồi làm sai quấy việc điều hành sinh hoạt cả nước, kể cả ở cấp thấp nhất. Ngay cả việc làm ngơ trước những sai quấy đó cũng khó chấp nhận được đối với bạn. Làm ngơ trước tội ác cũng là một cách đồng lõa với tội ác, đúng như bạn nói! Tính công minh của bạn bảo rằng: Nhân tính là một lẽ – Minh bạch là một lẽ khác. Phải rạch ròi đúng-sai. Phải rõ ràng công-tội. Đâu thể nào “Mở còng bằng cách chặt tay mọi người”! Phải trắng-đen đâu ra đó. Thương hay ghét không có chỗ đứng bên cạnh tính công minh. Bạn cũng không chờ đợi được thăng thưởng từ những kẻ ác. “Dẫu chưa đến nỗi phải quỳ, đã cong lưng nhận còn gì tự do?”. Bạn không nệ hà gian khó phấn đấu, nhưng nhất định là không chịu được sự lệ thuộc. Bạn không thể viết hay nói theo ý người khác. Tính công minh kêu gọi và luôn nhắc nhở bạn phán xét độc lập và ứng xử độc lập. Thường, những người có cùng tính công minh như bạn vẫn mơ ước thành lập những nhóm, những hội, những đoàn thể độc lập phục vụ cho quyền lợi căn bản nhất của từng nhóm người cùng ngành nghề hay cùng cảnh ngộ. Thân chúc các bạn đạt thành ước nguyện.

Màu Trắng Sữa Tươi:
Bạn là người tôn trọng nhân phẩm và luật pháp. Bạn luôn cố gắng giữ điều thiện, làm điều phải, đúng theo tiếng gọi của lương tâm và theo văn bản pháp luật. Đối với bạn, điều răn hay chữ giới trong tôn giáo có giá trị còn cao hơn cả văn bản luật. Chính vì vậy, bạn chờ đợi mẫu mực đó ở mọi người chung quanh. Cũng chính vì vậy, bạn sẽ khó lòng chấp nhận một chính phủ thường xuyên bẻ gãy luật pháp và chà đạp nhân vị. Bản cảm nhận rõ sự tổn thương khi thấy nhan nhản những dữ liệu ngày càng nhiều về tình trạng đứng trên và đứng ngoài luật pháp. Bạn không cô đơn. Rất nhiều người nhìn thấy điều đó và không thể chờ đợi thiện chí cải sửa ở những kẻ cố ý làm sai để làm giàu. Đừng chờ đợi sự cải sửa đó ở họ. Chính bạn và bằng hữu chí cốt của bạn mới là người cải sửa. Từ những việc dễ nhất là tẩy chay các cửa hàng, dịch vụ của những kẻ đứng trên và đứng ngoài luật pháp, mà không ai có thể bắt tội được các bạn về thái độ “không mua bán – không giao dịch” đó. Hoặc đồng lòng “tịnh khẩu trong giờ học chính trị”, tức là không nói, không bàn, không nghe, không thấy gì cả. Nếu cả lớp, cả trường, tiến đến cả nước đều tịnh khẩu, không tham gia, thì các giờ học chính trị sẽ bị dẹp bỏ thôi…. Dần dần tiến đến những việc khó hơn, ví dụ như sưu tập danh tính địa chỉ của những kẻ đứng trên và đứng ngoài pháp luật, với những vụ việc có bằng chứng xác thực, rồi cùng thành lập những trang mạng blog miễn phí để thăm dò ý kiến nhân dân về những kẻ sai quấy đó v.v…. Xã hội sẽ trắng, sạch và thoáng hơn, thông qua những kế hoạch nhỏ như thế đấy bạn.

Màu Tím Khoai Môn:
Bạn là người nhân ái và thẳng tính. Thương người như thể thương thân. Bạn có nhiều xúc cảm và sống nhiều với nội tâm. Bạn có thể chịu đựng sự khổ cực cho mình nhưng không thể làm ngơ trước sự nghèo khổ hoặc bị áp bức của người khác. Bạn cảm được ý thơ Đỗ Phủ: “Cửa son rượu thịt bốc hơi, ngoài đường chết đói bao người trắng xương”. Bạn vẫn thường tự nhủ: Giải pháp duy nhất là thăng hoa tình người, điều gì trái với tình người thì phải làm tỏ rõ, điều gì đi ngược lại tình người thì phải phản đối. Do đó, khi nói lên điều sai quấy của kẻ chức quyền, bạn không hề giảm thiểu tình người với họ, bạn chỉ giảm thiểu sự hợp tác với họ, cho đến khi họ nhận trách nhiệm về sự sai quấy, đền bù thiệt hại cho các nạn nhân, hoặc cao hơn một nấc, là tự điều chỉnh lại việc làm cho đúng. Đây không phải là công việc của một người, hay có thể hoàn tất trong một ngày. Những tấm lòng vàng như bạn không hiếm trên đất nước này. Tuổi trẻ như bạn còn rất nhiều cơ hội. Hãy liên kết lại để có một tiếng nói chung, một sinh hoạt chung. Để tiến từ những việc có tính cách từ thiện sang lãnh vực xã hội thực sự. Tức là bắt đầu bằng những gói quà cho người nghèo khổ và kết thúc bằng sự liên kết giải quyết những vấn nạn tham nhũng cửa quyền của xã hội vốn là nguyên nhân trực tiếp tạo ra sự nghèo khổ cho dân mình. Ở khoảng giữa của con đường thăng hoa xã hội đó là một giai đoạn bất hợp tác với chính quyền để tạo áp lực thay đổi. Những người nhân ái và thẳng tính như bạn thật khó lòng hợp tác với một chính quyền phi nhân bản chỉ biết làm giàu trên xương máuvà nước mắt của nhân dân. Đó là lẽ đương nhiên. Hãy vạch rõ những sai trái của họ và kêu gọi thân nhân bằng hữu tẩy chay những chính sách làm mất tính tình người của họ.

Màu Xanh Lá Mạ:
Bạn là người kiên nhẫn. Cho dù là trong nhà bạn có treo một chữ Nhẫn viết theo kiểu thư pháp hay không, bạn vẫn không nệ hà làm những việc nhỏ, thường xuyên lặp lại và lắm lúc kéo dài. Kiên nhẫn là một đức tính cần thiết cho sự thành công. Điều đó không có nghĩa là bạn chỉ ngồi yên chờ đợi mọi sự việc xảy ra. Mà cũng không phải chờ đợi những điều tốt xảy ra cho chỉ bản thân mình không thôi. Bạn kiên nhẫn nhưng lại có thêm đức tính chủ động và vị tha. Bạn mong muốn và tạo điều kiện để sớm có những hồi đáp trực tiếp bằng lời nói hay hành động làm thay đổi xã hội cho tốt đẹp hơn. Bởi, “Còn gì là nuớc với non, mỗi người dân một héo hon cảnh nhà”? Sự kiên nhẫn của bạn thể hiện ở chỗ bạn không ưng manh động, mà chỉ tạo những điều kiện thay đổi bằng phương pháp ôn hòa bất bạo động. Nhẫn nhưng không Nhục. Nhẫn nhưng không Nhịn. Nhẫn là thường xuyên làm những việc vừa tầm, an toàn, nhưng kết tụ ra những ảnh hưởng liên đới thành các áp lực tạo sự thay đổi. Nhẫn như nước chảy. Nước chảy không chỉ để chảy, mà còn để làm đá mòn, và làm sạch lòng suối. Chúc bạn luôn vững tâm và giàu nghị lực để chân cứng đá mềm.

Màu Đỏ Gạch Cua:
Bạn là người linh động và sáng tạo. Bạn yêu thích tranh ảnh, hội họa, điêu khắc…. Bạn thưởng thức nghệ thuật trong đời sống và tự sáng tạo ra nghệ thuật sống. Bạn không bị gò bó trong một khung suy nghĩ hẹp. Bạn luôn luôn thích thú với những thử nghiệm mới. Điều này giúp bạn rất nhiều trong phương cách giải quyết công việc hàng ngày. Nếu cách này không kết quả, bạn sẽ thử cách khác. Nếu vấn đề này giải quyết xong, bạn sẽ để mắt tới vấn đề kế tiếp, ưu tiên theo tầm quan trọng của chúng. Nếu cảm thấy lời kêu gọi hay hướng dẫn của mình bắt đầu nhàm, bạn sẽ sáng tạo hoặc thay đổi cách kêu gọi hay hướng dẫn, để thu hút sự quan tâm nhiều hơn của người khác. Tính linh động và kiên trì này dự phần rất lớn trong quy trình kết hợp thành bản lãnh lãnh đạo của bạn. Điều quan trọng là những áp dụng linh động và sáng tạo của bạn nhằm vào lãnh vực xã hội mang đến rất nhiều lợi ích cho quần chúng. Nhiều người đang nhìn về bạn như một mẫu mực sống, kể cả những người chỉ nghe nói tới chứ chưa từng gặp bạn. Chung quanh bạn là một vòng đai thân hữu có thể hoạt động xã hội như một đoàn thể tự lập. Mọi người đang chờ đợi lời đề nghị gợi ý của bạn. Nhanh chóng lên nào!

Màu Tím Nếp Than:
Bạn là người công bình. Phó sản của tính công bình này là lòng vị tha. Những phát biểu của bạn ít khi vượt qua khỏi ngưỡng chừng mực. Bạn không hề muốn thắng người khác, nhưng cũng không để cho ai hiếp đáp bản thân mình. Bạn không có nhu cầu nói nhiều nhưng nhất định là không chấp nhận bị bịt miệng hoặc để bất kỳ ai khác bị bịt miệng. Bạn không mưu cầu làm giàu cho bản thân, nhưng bạn mong muốn mọi người đều có cơ hội ngang bằng nhau để học hỏi, làm việc, thăng tiến và thịnh vượng. Bạn chỉ không chấp nhận những cách làm giàu bất chính dựa trên chức quyền của bản thân, hoặc dựa trên sự đau khổ của người khác khi phải cầu cạnh cho được việc. Bạn chỉ thường gióng tiếng bởi vì bạn mong muốn mọi người sống hài hòa, không ai được quyền nhân danh bất cứ điều gì để áp bức kẻ khác. Bạn lại càng không thể cho phép việc áp bức đó xảy ra có hệ thống mà lại được coi là bình thường như một truyền thống. Tính công bình của bạn là điều đáng xiển dương để toàn xã hội đều được vậy. Ưu điểm của bạn là không chỉ công bình trong tư duy, mà là trong cả hành động. Thấy điều nghĩa mà không làm thì không thể chịu được. Chữ “hèn” là chữ khó viết nhất đối với bạn. Chữ “dũng” lại mang đến cho bạn rất nhiều bằng hữu chí cốt. Người tốt việc tốt luôn tạo thành tiếng tốt và sinh ra những đoàn thể tốt mà không nhất thiết là đoàn thể chính quy. Những năm tháng trước mặt sẽ mang đến cho các bạn rất nhiều cơ hội dấn thân.

Màu Đỏ Hạt Lựu:
Bạn là người tri thức. Giá trị sự hiểu biết của bạn không hề đặt căn cứ trên học hàm, học vị, nhất là vào thời này. Kiến thức của bạn không bị đóng khung bởi các giáo trình và trôi nổi theo các phong bì. Bạn thấy rất rõ, hơn ai hết, tình cảnh “Lồng son chim hót thảnh thơi, dăm ba hạt thóc quên trời tự do” nhan nhản trên đất nước mình. Bạn biết rất rõ, hơn ai hết, rằng: “Nô lệ đầu tiên, nơi mỗi người, ở ngay trong đầu”. Bạn hiểu rất rõ, hơn ai hết, rằng “Kẻ cho và kẻ xin quyền làm người, cả hai đều cố ý hoặc vô tình làm mất nhân cách con người”. Thực tế và lịch sử cũng từng xác định với bạn rằng quyền lực hoàn toàn tùy thuộc vào sự hợp tác của nhiều người và chỉ tồn tại khi nào còn có người phục tùng. Quyền lực sẽ sụp đổ vào những cao điểm bất phục tùng của cả xã hội. Vua chúa, Tướng lãnh… xưa nay đều bó tay trước những cao điểm đó trong lịch sử nhân loại, bất kể là nước nào, bất kể là thời nào. Bạn nói đúng: Đấu tranh bất bạo động chính là phương cách hữu hiệu nhất để hóa giải sự tập trung quyền lực vào một nhúm người, thông qua ý niệm xã hội bất phục tùng. Khi hành xử ý niệm này, người ta giữ lại cho mình cái quyền hợp tác hay không, thay vì buông trôi như chuyện đương nhiên. Chính điều đó mang đến cho từng người một giá trị ở sự chọn lựa của mình: Nếu buông trôi, mình sẽ là một con số không. Nếu tỏ thái độ, mình sẽ góp tiếng với đời và khiến cho nhúm người quyền lực nọ phải co cụm lại. Sự chênh lệch sẽ tiến đến và vượt qua mức ngang ngửa để leo tới cao điểm. Hãy vững tin và rao truyền đến bằng hữu những ý tưởng cao đẹp này của bạn. Cờ không tự chạy đến tay bạn. Bạn hãy vươn tay ra nắm lấy cờ. Sẽ có khối người theo bước chân của bạn.

Màu Hồng Hoa Đào:
Bạn là người bình tĩnh. Đối với bạn, giá trị của sự thuyết phục nằm trên sự thật và lý lẽ trình bày sự thật chứ không phải là cường độ của giọng nói. Tính thuyết phục lại càng không thể có từ hệ thống lập luận của lưỡi gỗ hay lưỡi lê. Bạn được người đời kính trọng chứ không khiếp sợ. Bạn vẫn thường tâm niệm rằng: Người hùng biện nhất không cần phải xòe tay đập bàn, hay bụm tay bịt miệng người khác; Người đấu tranh dũng cảm nhất sẽ không bao giờ nổi nóng, hay hãi sợ khi đối phương nổi nóng; Người chiến sĩ cao cả nhất sẽ không bao giờ sử dụng bạo lực và vũ khí giết người; Kẻ quả cảm giết người sẽ chết thảm; Kẻ quả cảm không giết người sẽ sống an bình. Sự bình tĩnh này đã giúp bạn rất nhiều trong mọi mặt của cuộc sống đầy tính phấn đấu hôm nay. Đặc biệt trong trường hợp bạn là một nhân viên công lực, lương tâm của bạn vẫn mong cầu sự yên bình cho dân tộc và sự phát triển của đất nước chứ không phải là sự tồn tại của một triều đại. Đúng như bạn nghĩ: Không có một tập thể công an hay quân đội nào được thành lập để chống lại hay để áp đảo nhân dân. Bạn xuất thân từ nhân dân, và được huấn luyện để bảo vệ và phục vụ nhân dân. Cho nên, chí lý thay, trước khi phang gậy hay bóp cò, hãy nghĩ đến những kẻ nhận lãnh đầu gậy hay viên đạn có đích thực là những người hô hào một chủ nghĩa lỗi thời làm cho đất nước này đói nghèo và lạc hậu suốt mấy thập niên nay hay không? Điều này luôn luôn có lợi lâu dài cho tương lai gia đình bạn nói riêng và cả dân tộc nói chung.

Màu Vàng Lúa Chín:
Bạn là người trầm tính. Bạn trọng chiều sâu hơn diện rộng. Bạn quý chất lượng hơn khối lượng. Bạn đánh giá bản thân dữ kiện không cao bằng phương cách xử lý dữ kiện. Sự chọn lựa của bạn thường được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên phạm trù tổng thể và lâu dài hơn là cá biệt và nhất thời. Từ đó, bạn trân trọng giá trị gia đình và xã hội hơn là thành công cá nhân. Quyết định của bạn bén nhọn như mũi kim của chiếc cân tiểu ly. Về mặt xã hội, suy nghĩ rất đúng đắn của bạn là: Biện pháp đối đầu ôn hòa bất bạo động thoạt nhìn có vẻ tiêu cực ở mặt vật lý nhưng thực sự vô cùng tích cực ở mặt tâm lý. Bạn luôn cần phát biểu cảm tưởng chứ không phải lòng thù hận. Bạn không đi tìm một chiến thắng trên chiến bại của đối thủ, bạn chỉ muốn đối thủ thông hiểu và đổi thay cho phù hợp với xu thế thời đại. Bạn cũng chỉ muốn giải quyết vấn nạn chứ không phải tấn công vào những con người gây ra hay mắc kẹt trong vấn nạn đó. Bạn không chỉ muốn né tránh xung đột cơ thể, bạn còn muốn ngăn chận cả những xung đột tâm lý qua lòng hận thù nữa. Biện pháp đối đầu ôn hòa bất bạo động mà bạn ủng hộ chính là con đường êm phẳng nhất dẫn tới một xã hội nhân hòa và tiến bộ cho cả dân tộc. Hãy dàn trải những suy nghĩ này của bạn đến nhiều bạn khác để tất cả cùng có những phản ứng thích hợp với mọi hoàn cảnh và giúp cho xã hội đi lên.

24 Lương Văn Mỹ ( bút danh Tuệ Giải)


Kính chuyển,

Mời xem , nhớ like và để lại comments
Để thực hiện video clip này Trần văn Thuận và Thiện Vũ đã cùng trao đổi ý kiến với nhau trong nhiều ngày, nhiều đêm download hình ảnh ráp nối, cắt đục ..... rất mất thời giờ và đến ngày Đại Hội cũng lại phải ráp nối những clip video để hoàn tất version final.....nên xin quý bạn nhớ xem và mỗi người cho 1 like để lấy điểm với YouTube. Bạn BT Khanh nhớ copy link và post lên website 24 trong phần đặc san ĐH50

Cảm ơn nhiều

Hành trình Đệ Nhị Song Ngư



VV Thiện & TV Thuận

Nhớ Thuở Ra Trường, 50 Năm Trước

Mỗi 5 năm được một lần gặp gỡ toàn khóa, đối với hầu hết các bạn 24, chính thực là một niềm vui không thể cân đo đong đếm. Mà không phải tất cả đều có thể sắp xếp được để thường xuyên về dự mỗi dịp đại hội. Lắm người nhảy cóc 1 hoặc 2 phùa một lần, tức là năm/mười năm mới gặp các bạn khác. Thử hỏi: Cứ ♫mười năm không gặp - chờ mười năm nữa♪ …thì có chết người không chớ?

Lần này, “Lễ Vàng” 50 năm, 24 karat, hầu hết các bạn đều cảm ra cái “hiệu ứng 7 bó plus” trong người, nên dường như đâu đó có tăng thêm chút động lực cố gắng gặp nhau.

Thành ra, không thể chờ đúng ngày đúng giờ để cùng nhau đứng nghiêm chào cờ, mặc niệm, nghe diễn từ...

Thành ra, mới có chuyện từ trước ngày khai mạc, các chiếc nón mỏ neo đã rần rần ới nhau ngoài bãi đậu xe của khách sạn. Xong, tự động ráp bàn, gom hết ghế ngồi ngoài hàng hiên lại, dần dà nở phình ra thành một đội hình 24 (tuy vẫn giữ nét lịch sự cố hữu nhưng vẫn không giảm đi chút nào độ ồn ào, náo nhiệt).

Thành ra, mới có chuyện nhân viên khách sạn ngạc nhiên hỏi nhau sao lọ cà phê bột vừa mới còn đầy đó mà vèo cái đã cạn veo, trong lúc đội hình đứng ngồi lố nhố ngoài sân đều cầm ly nhâm nhi chờ tới phiên lên tiếng, hay đợi chỗ trống nhảy vào giữa chuyện (riêng ở góc nào mà có Cao Phương Thảo Bofors 40mm là phải đợi hơi lâu chút). 😊

Ở tư gia nhiều bạn trong vòng đai khu vực đại hội, nhất là ở “trung tâm vãng lai” (như một resort 5 sao miền nhiệt đới) của vợ chồng Đỗ Anh Dũng, hẳn cũng râm ran (vui-đông-hao) không khác. Có khi còn ồn ào hơn nữa, một khi có thêm chất men.

Cũng không phải mọi đại quan (với cái nhan sắc mùa thu úa nhầu vì thiếu lancôme/shiseido) là đều có khả năng vanh vách nhớ mặt gọi đúng tên nhau. Cho nên, cho dù có ngờ ngợ mặt mày, thì cứ tay bắt mặt mừng rôm rả cái đã, trong lúc cố lục tung bộ nhớ (256Gb ngày càng teo tóp), qua hình ảnh lẫn giọng nói, mà lặp lại điều tự hỏi: “Thằng cha này nhìn quen quá,mà hắn tên gì hè?”.

Vì vậy mà có đứa mừng rơn giơ tay ra bắt: “- Hey. Hello Nguyễn Sáng Chiếu!”, thì nhận lại một nụ cười giả lả: “- Không phải, tao là Lương Văn Mỹ!”. Té ra bạn này lần đầu đi dự đại hội. 😉

Vì vậy mà có khi mừng rỡ (rất thật) reo lên (một cách rất đỗi khái quát chung chung mà lại rất dối) “- Chào cán bộ!”, bởi không nhớ tên, nhưng nhớ hồi ở trường nó có đeo mấy gạch đỏ trên bâu áo…

Tới chiều, lúc vô nhà hàng dự tiệc tiền đại hội mới thê thảm bàng hoàng biết ra thế nào là nỗi đau …khan cổ. Có hay không có micro trên tay cũng mặc, mạnh ai nấy …gào. Nhạc đệm, cứ tưởng nhẹ nhàng làm đầy không gian hội ngộ, cho có phần ấm cúng, hóa ra là một cách để mọi người vặn hết volume, cố tăng thêm vài decibels cho những bậc lão thành 24 vốn tai nghe đã có phần nghễnh ngãng, tâm tư không thiếu phần nghênh ngang lãng đãng, và miệng nói đã có chỉ dấu phều phào với mớ răng ngậm còn lại ít hơn răng ngâm.

Theo đúng chức năng thì tiền đại hội là buổi gặp mặt (theo kiểu báo chí trong nước kêu bằng “hội nghị trù bị”) để giới thiệu ban tổ chức, thông báo mọi diễn tiến và lề luật tiến hành các tiết mục trong đại hội ngày mai, nhưng với một đám đông lâu quá mới gặp nhau thì …có hề gì (“tinh thần mới là quan trọng!”), mừng gặp nhau cái đã, hỏi thăm nhau cái đã…

Chứ không thì làm sao biết được vợ chồng Đặng Viết Nghị (vừa tuần thám lại vừa xung phong dẫn đầu cả khóa) đã có 2 chắt cố, mà đứa lớn đang trên đường vào nhà trẻ? Và, chứ không thì làm sao mà có thể tự nhiên nói lời chúc mừng là hai ông bà cố vẫn chưa phải vào …nhà già? Cố mà không ai dám Vấn là đây chứ đâu?

Xong, lại nhẫm đếm bao lâu rồi mới được gặp lại Huỳnh Đắc Lộc (kỳ này được 24 bảo trợ đưa bà xã ra dự đại hội). Tính ra là đâu đó chừng một …nửa thế kỷ chứ mấy, từ lúc cả khóa ngún ngoa ngún nguẩy quẫy đuôi ra biển, tới giờ. Gần hơn một tị là Nguyễn Cửu Chi, vượt biên lần hai qua Mỹ bằng đường hàng không và passport cờ hoa, không quên mang theo một góc Đà Lạt ghềnh thác mộng mơ và cậu cả (sao y bản chánh) của một mối tình “Yêu Muộn”.

Một tiết mục bất ngờ (vì phải giải quyết ngay) mà không kém phần vui nhộn là màn đấu giá gây quỹ bộ quẹt máy Zippo của Cao Thanh Tùng. Kết quả sau cùng tròm trèm $1000, không tệ. Tuy nhiên, dường như hệ tiếp thị (tây nó kêu bằng marketing) hôm nay có phần nhắm sai đối tượng. Khi thấy mớ hộp quẹt Zippo, người ta dễ nghĩ ngay đến quý ông, là dùng để đốt thuốc lá. Vì vậy mà mọi cố gắng gào loa quảng cáo vận động, đều chăm chút nhắm vào nhóm mày râu, cho dù con số các quan 24 còn (dám) phì phèo khói lửa (liều một đám là làm một điếu) giờ này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Thật ra Zippo không chỉ đốt mỗi thuốc lá. Nó đốt được đủ thứ. Giá mà ban tiếp thị thay đổi đối tượng nhắm tới, thay vì là các anh thì là quý chị, với lời quảng cáo Zippo “đốt rơm nhanh hơn đốt thuốc”, thì biết đâu, mấy chị sẽ nghĩ tới chuyện thủ sẵn cho mình 1 cái, để trong trường hợp có mấy con gà móng đỏ hay dăm con ngựa mắt xanh nào mon men rón rén tới gần ông chồng 24 yêu dấu (dẫu già) của mình (để “đánh đèn” cười duyên bẹo dáng) thì sẽ lập tức bật quẹt đốt rụi …chuồng nhà nó. Ngược lại, có 1 cái Zippo trong phòng ngủ thì cũng vừa là 1 kỷ niệm họp khóa, lại vừa là 1 nhắc nhở cụ thể cho đấng lang quân của (riêng) mình phải nhớ nền nhớ nếp mà đừng quên cái …ao nhà (ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục vẫn là …cái ao). Và biết đâu cái kết quả đấu giá sau cùng kia sẽ tăng lên gấp đôi gấp ba? 😉

Mấy tấm hình 24 chụp chung bữa tiền đại hội này quá đông, các phó nhòm đã canh cảnh rộng rồi mà cứ phải lùi dần về phía sau để lấy cho hết người vào ảnh. Ồn ào, náo loạn, nhưng vui, dù không ai chắc được rằng sẽ thấy (hay nhìn ra được) bóng dáng mình trong ảnh.

Tới sáng ngày chính thức của đại hội, 24 có 2 nhóm rẽ đôi nhưng cùng làm một việc.

Nhóm 1 ra tượng đài chiến sĩ làm đầy đủ nghi thức tưởng niệm tri ân những người đã chiến đấu cho tự do của Miền Nam Việt Nam, và cả những bạn 24 đã về với biển.



Nhóm 2 kéo tới nhà Lương Văn Huấn, thắp nhang bàn thờ có di ảnh của bạn Huấn và bạn Trần Thiện Khải. Thật bình dị mà thật cảm động. Nhóm này phần lớn đến từ Bắc California, như San Jose, Stockton, Napa Valley… Phần lớn cũng là dân quậy. Huấn Lương chắc phải khục khặc khúc khắc tiếng cười (tất nhiên là theo sau hai tiếng đỗ mười), bởi nhang chưa kịp tàn mà ngoài sân đã có lắm kẻ bắc thang vói hái mận Việt với táo Tàu. Còn chị Huấn thì cứ luôn miệng khuyến khích “bên này nhiều trái chín nè, hái thêm nữa đi!”.



Buổi chiều mới đẹp làm sao. Không chỉ thời tiết đẹp, sân khấu đẹp, toàn bộ khung cảnh trang hoàng đẹp…, mà mỗi con người đều diện đẹp. Tha thướt biết bao tà áo dài đủ màu đủ sắc, với vòng ngọc hoa tai lấp lánh, bên cạnh những bộ tiểu lễ, đại lễ trắng muốt, hay những bộ dạ phục đen tuyền hoặc nửa mùa trắng đen quý phái… Không thì cũng com-lê cà-vạt như lúc đi phỏng vấn nhận việc ở Silicon Valley. Nói chung là người đẹp đã làm cho khung cảnh đẹp thêm.

Có ai đó từng bảo “người là hoa của đất”, thì rõ ràng hôm nay, hoa của đất đang tranh đua với hoa trong bình. Ô là la, hội trường đầy ắp những lọ hoa đài các chẳng khác gì người đi đại hội. Công đầu là nhờ tài cắm hoa của chị Đỗ Anh Dũng, làm sáng rực phòng hội cho cả 2 ngày gặp gỡ.

Hội trường có 2 góc thật quyến rũ (và không thể bỏ qua) cho những bức hình kỷ niệm.

Một là chiếc vòm hoa trắng như bọt biển ngay cổng vào, cạnh bàn tiếp tân, cứ y như cổng chào của những đám cưới hoàng gia. Chỉ khác là ngay giữa vòm hoa có huy hiệu Song Ngư II, do NT K23 Trương Bửu Giám thiết kế. Chỗ này máy ai nấy chụp.

Hai là bức tranh phông lớn “Tung nón Ra trường” cũng của NT 23 Trương Bửu Giám, có NT Oanh K19 đã đặt sẵn cố định một máy to hàng hiệu để ghi hình từng cặp 24 hay quan khách.

Tin đi! Nhiều phần là những bức ảnh chụp ở 2 nơi này sẽ sớm trở thành ảnh nền wallpaper trên những chiếc điện thoại thông minh của quan khách và các bạn 24 có mặt hôm nay.

29 bàn tiệc đã được sắp sẵn ngăn nắp. Những chỗ ngồi đã được (GPS tiếp tân) ghi sẵn tọa độ. Quan khách chiếm gần phân nửa hội trường. Có cả các chiến hữu Võ Bị và một số chiến hữu trong những bộ quân phục của nhiều quân binh chủng khác nhau. SQ HQ từ khóa 16 tới khóa 26, cùng một số bạn OCS, có mặt. Riêng khóa 25 đã chiếm 3 bàn. Mới thấy sợi dây tình cảm huynh đệ chi binh là có thật. Cái mỏ neo cắn đất khắng khít đàn anh đàn em các khóa Nha Trang là có thật.

Tất nhiên, không thể thiếu nghi thức chào cờ Việt-Mỹ và 1 phút mặc niệm hết sức cảm động, ngay sau nghi thức đón rước Quốc Thánh Quân kỳ. Toán Quốc Thánh Quân kỳ trong dịp kỷ niệm 50 năm Đệ Nhị Song Ngư ra khơi kỳ này do các bạn K25 đảm trách.



Các bạn K25 và K26 còn biểu diễn thêm một tiết mục trình kiếm để mời đàn anh 24, trong quân phục bén nếp, dìu người bạn đời đi dưới hai hàng kiếm lấp lánh ánh đèn quay, rồi hôn nhau ở cuối đường để chụp hình kỷ niệm. Xoáy vào lòng người ở đây không hẳn là một lời nhắc về nợ kiếm cung của một thế hệ trai thời loạn đã cách xa hàng nửa thế kỷ. Chỉ có thể tạm coi như một bù đắp muộn màng (theo đúng nghi thức quốc tế đặc biệt của sĩ quan hải quân) cho những lễ cưới bình dị ở VN hoặc ở xứ tỵ nạn tạm dung này từ nhiều thập niên trước đây. Tiết mục trình kiếm được hoan hô nhiệt liệt, và quả đúng là “cây đinh” của buổi tiệc. Chân tình cảm ơn các bạn Đệ Tam Dương Cưu.



Lời tâm tình của vị Chủ tọa buổi lễ đã nhẹ nhàng chạm vào tim biết bao cử tọa. Ông từng là Sĩ quan Giảng huấn môn Điện tử cho nhiều khóa SVSQ Nha Trang, gần gạnh nhất là các khóa 23, 24, 25, và 26. Trong đó, khóa 24 để lại cho ông một ấn tượng du dương, từ giọng hát của anh Lương Ngọc Tâm thời đó, và bạn Nguyễn Hùng Quyền sau này, với lời nhạc thâm trầm mà ý nhị trong tình khúc Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của nhạc sĩ Văn Phụng. Ông không nói rõ là đã cảm thấy tấm lưới hoàng hôn đó đã phủ chụp xuống toàn thể đất nước từ 1975 hay từ lúc nào. Ông chỉ nhìn lại bản thân cùng các bạn 23, 24, 25, 26 kia, và cảm được cái hoàng hôn nọ đang đè dần lên số tuổi của anh em ta. May thay, nhạc sĩ Văn Phụng là một người lạc quan, cả ngoài đời lẫn trong dòng nhạc, cho nên tình khúc hoàng hôn này vẫn còn những chiếc phao cần thiết:



“♫Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai…♪”.

Có phải cốt lõi lời tâm tình của ông là ở chỗ thương yêu và lạc quan đó?

Cảm ơn người anh K16. Xin phép nói đùa một tý: Mọi người có thể gọi Niên trưởng Tụng là Đại úy Tụng, hay Thiếu tá Tụng, hay Giáo sư Tụng, hay Giảng viên Tụng, nhưng không thể khiếm nhã mà gọi là Thầy Tụng. Cho dù chúng ta từng đều đặn cắp sách tới lớp của thầy.



Trong phần văn nghệ sau đó, bạn Nguyễn Hùng Quyền đã xuất sắc hát tặng NT Tụng bài tình ca của Văn Phụng vừa kể. Giọng hát điêu luyện này và bài nhạc mượt mà này, vượt lên trên và vượt ra ngoài những hoa biển với sóng cồn, chính là một “cây đinh” khác của buổi hội ngộ.
Với riêng người viết, duy nhất chỉ có một nốt nhạc trầm (tới đáy) trong buổi dạ tiệc:

Một bạn 25 ghé sang bàn bên này để trò chuyện với cựu SV cán bộ Nguyễn Kim Trọng. Tình cờ lại hỏi bạn Phạm Trọng Phúc, rằng, ông lão ngồi cùng bàn kia là ai và khóa nào vậy? Phúc trả lời đó là niên trưởng Lương Văn Mỹ, khoá 24. “- Trời đất, khóa 24 mà sao mà già dữ vậy?”.

Ông lão K24 phải đứng dậy bước sang ôm vai anh bạn K25, mà rằng: “- Niềm vui lớn nhất hiện giờ là không thể nào già hơn được nữa!”. Cười. Xong, mới hỏi thăm anh bạn K25: “- Anh có biết bạn Lê Văn Chương giờ ở đâu không? Tôi mất liên lạc từ nhiều năm nay. Đó là bạn học cùng lớp ở trường Petrus Ký, là người bạn cùng xóm Bàn Cờ, và là con tôi ở quân trường Nha Trang”. “- Rất tiếc, niên trưởng, bạn Chương đã mệnh chung từ năm 2018”.

Đau quá, bố con chia tay mà không lời từ giã. Cũng không hay tin suốt những 5 năm. Bám vào đâu giờ? “Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù. Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai…”.

Tạm biệt bạn Lê Văn Chương. Hẹn gặp lại đâu đó mai này.

Ngoài kia, buổi dạ vũ đã bắt đầu bằng một bài Paso Doble. Cũng giống đêm hôm qua, sàn nhảy đã kín mít, dập dìu những nam thanh nữ tú. Bao nhiêu năm mới có mấy ngày vui. Trong những ngày tới một nhóm anh chị em sẽ lên tàu (Princess Cruises?) làm một chuyến viễn du. Rồi sau đó, chắc chắn sẽ không thiếu những buổi hội ngộ mini trong từng vùng của California hay Nevada.

Sắp xếp được hết mọi thứ cho ăn khớp từ A tới Z cho hàng trăm anh em từ nhiều nơi tụ hội một chỗ suốt mấy ngày vui và an toàn không phải là việc đơn giản. Cảm ơn công sức của quý anh chị em trong ban tổ chức. Cảm ơn những chiếc đũa thần của những nhà ảo thuật K24. Rõ ràng, không gì là không làm được với những SQHQ.

24 Lương Văn Mỹ

Ảnh: Quán tính Dzuyên Đoàn (theo thói quen bảo vệ “tuần dzuyên đỉnh” Ferrocement Nội hóa)


Cám ơn các bạn trong bạn tổ chức các phụ nhân và tất cả mọi người đặ đóng góp công sức và đầy lòng nhiệt huyết lo lắng cho bạn bè gần xã thât chứ đáo đê chúng ta có thêm nhiều kỷ niêm không bao giờ quên.
Thật tuyệt vời. Mẹ Quang nói không ngờ mẹ lại có giây phút hạnh phúc thật cảm động đến rơi nước mắt khi thây các con và bạn bè sau bao nhiêu năm còn gắn bó và thương yêu nhau như vậy!
Mẹ Quang cám ơn toàn khóa 24 và mọi người trong đêm hội tụ ngộ đã cho mẹ nhưng giáy phút tuyêt vời nhất trong đời và đã cùng chúc mừng và hát bài Happy birthday cho mẹ.



Cám ơn mọi người và nhất là bạn tô chức đã cho mọi người những ngày họp mặt và vui chơi thật ý nghĩa và thành công. Trưa mai thứ Bảy Quang Ngô và môt sói bạn San jose sẽ tiếp đón các bạn 24 đi đài hội từ Nam Cali về San Jose. Chúc mọi ngươi luôn đồi đà súc khỏe để anh em mình và giá đình còn găp nhau vui chơi đều đều!

QUANG DUONG
Các bạn thân,

Gia đình K24 của chúng ta đã chính thức kết thúc một tuần lễ Đại Hội mừng kỷ niệm 50 năm ra trường của khóa sau chuyến đi cruise rất vui của hơn 50 người gồm các bạn 24, các phu nhân và một số thân hữu.
Tối ngày hôm qua thứ Sáu 9/8/2023 các bạn 24 đã cùng nhau dùng bữa cơm chiều tại nhà hàng Tràm Chim và gặp nhau tại tư gia của anh chị ĐA Dũng. Trưa hôm nay thứ Bẩy có thêm một buổi tiệc rất ấm cúng nữa do anh chị Trần Vĩnh Thuận mời một số người. Sau cuối tuần này hầu hết các bạn từ xa đã về Nam Cali tham dự Đại Hội sẽ lên đường về nhà hoặc đi chơi một vài nơi nữa trước khi từ giã Cali.

BTC/ĐH50 chân thành cám ơn tất cả các bạn 24 và các phu nhân đã về tham dự những ngày hội ngộ của khóa. Cám ơn tất cả các bạn đã mời gia đình và các thân hữu của mình đến tham dự buổi dạ tiệc Đại Hội. Đặc biệt bạn Dương Doãn Quang đã mời Mẹ và gia đình cùng thân hữu thật đông đến tham dự buổi dạ tiệc. Cám ơn Quang đã cho gia đình 24 nói riêng và mọi người có mặt được chia vui và chúc mừng thọ 100 tuổi của Bà.

BTC cám ơn tất cả các bạn 24, các phu nhân và các mạnh thường quân đã yểm trợ tinh thần, góp công sức và tài chánh để việc tổ chức Đại Hội được chu đáo và đã thành công như ý của mọi người. Chúng ta cùng cám ơn nhau và chúc mừng cho nhau.

Cám ơn chị ĐA Dũng đã lựa chọn và mua những cánh hoa tươi đẹp, chị đã hướng dẫn các phu nhân 24 cắm và trưng bày những chậu hoa rất đẹp cho buổi lễ tưởng niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa và 53 bạn 24 đã vĩnh viễn ra đi. Riêng buổi dạ tiệc Đại Hội thì ai có mặt cũng đều phải khen là K24 trang trí hoa rất tươi đẹp và sang trọng.
Cám ơn bạn ĐA Dũng đã tìm mua rượu ngon, bia, soda..rất đầy đủ cho mọi người. Sau buổi tiệc nhiều người còn được mang rượu về nhà nữa.
Cám ơn gia đình anh chị Dũng đã đón tiếp một số các bạn ở xa về lưu trú trong suốt thời gian Đại Hội. Như thường lệ, anh chị luôn tiếp đãi bạn bè xa gần mỗi khi lui tới rất chu đáo và đầy đủ, anh chị rất chiều khách và không hề quản ngại điều gì.

Cám ơn rất nhiều bạn Nguyễn Ngọc My. Bạn My đã bỏ công rất nhiều để chụp được những bức hình rất ý nghĩa, rất đẹp để mọi người được thưởng thức và giữ mãi làm kỷ niệm.

Cám ơn bạn Bùi Tấn Khanh đã bỏ nhiều thời giờ để thực hiện Đặc San Kỷ Niệm 50 Năm Ra Khơi của K24 trong Website của khóa với những bài vở của các bạn gởi về và rất nhiều hình ảnh xưa và hiện tại của Đại Hội để gợi nhớ kỷ niệm ngày ra trường của khóa 50 năm trước đây.

BTC đã gởi lời cám ơn Niên Trưởng Oanh K19. Niên Trưởng rất gần gũi với K24, đã luôn tình nguyện giúp chụp hình, quay phim cho khóa đàn em 24 qua nhiều kỳ Đại Hội.
BTC cũng cám ơn hai khóa đàn em 25 và 26 đã đến tham dự Đại Hội và đã làm nổi bật buổi tiệc với dàn kiếm chào mừng khóa đàn anh 24 kỷ niệm 50 năm ra khơi.

Các bạn thân, những ngày vui Đại Hội đã qua nhưng những dư âm và hình ảnh của những ngày bạn bè được vui vẻ hạnh phúc sinh hoạt bên nhau vừa qua sẽ còn lưu lại lâu dài trong mỗi người. Một số bạn đã đề nghị khóa 24 của chúng ta nên tổ chức Đại Hội thường xuyên hơn, mỗi 2 năm thay vì 5 năm một lần. Nhiều bạn cũng đề nghị Đại Hội hãy tổ chức khoảng một tuần lễ trong chuyến du lịch trên một du thuyền mới hơn, lớn hơn, một chặng đường đi tới các bến cảng để thăm viếng nhộn nhịp và hấp dẫn hơn.. Biết đâu những đề nghị này cũng sẽ được các bạn và các phu nhân khác ủng hộ và một BTC ở một đia phương nào đó sẽ đứng ra tổ chức để đại gia đình K24 sớm được có những ngày hội ngộ ấm áp vui vẻ bên nhau như tuần lễ vừa qua.

Mỗi người trong chúng ta hãy giữ gìn sức khỏe và cầu xin ơn Trên ban cho cuộc sống được yên lành. Tất cả hẹn gặp nhau đông đủ trong lần Đại Hội của khóa lần tới các bạn nhé. Chúc các bạn trên đường về nhà sau Đại Hội được bình an.

Thân mến chào các bạn.
BTC/ĐH50/K24




K24-Hình ảnh Tiền Đại Hội và Đại Hội from NN My



Hi Thiện Vũ,

Xin ca ngợi những công sức đóng góp của Thiện Vũ, TV Thuận, NV Cửu cùng các bạn K24 khác để thực hiện Youtube cho K24 nhân dịp Kỷ Niệm 50 Năm Đệ Nhị Song Ngư Ra Khơi. Thật tuyệt vời !!!

YouTube đã được uploaded lên web http://navygermany.gerussa.com
Trang Văn Nghệ
http://navygermany.gerussa.com/images/NhungC3.gif
Hành Trình Đệ Nhị Song Ngư
http://navygermany.gerussa.com/images/new14.gif

Thân chúc các niên trưởng, các bạn luôn an vui.
Thân mến
Nguyễn Văn Phảy
http://navygermany.gerussa.com

Quan U 100

Sau lưng vang bóng một thời
Vô thường vỗ cánh rã rời đôi tay
Dưới chân cát bụi gió bay
Trời xanh gió lộng mê say cõi trần
Đời là một kiếp phù vân
Sớm mai chớm nở, chiều về tàn phai
Phù sinh trọn kiếp miệt mài
Còn chi để lại, tiếc hoài hư không.

Hoà Nguyen Sacramento, Ca 9/2023

Kỷ Niệm 50 Năm Ra Khơi

Trời xanh biển thắm mông mênh
Sống đời thủy thủ lênh đênh tháng ngày
Trùng dương hò hẹn gió mây
Xuôi Nam ngược Bắc đó đây yên bình

Hoà Nguyen Sacramento, Ca 9/2023


Nhạc Phẩm Biển Cạn, Sáng Tác Nguyễn Kim Tuấn





NN My
Kính chuyển,

Một vài lời tâm tình sau Đại Hội 50 ” 50 năm tình bạn”

Gia đình 24 thân mến, Cho đến hôm nay hầu hết quý bạn từ xa về, đã ai ở nhà đó giã từ Nam Cali với nhiều cảm xúc : vui, vương vấn…dư âm của những ngày gặp gỡ nhau mày tao ôn lại những kỷ niệm xưa hình như chưa dứt. Những tiếng cười, những chau mày vì không nhận ra những thằng bạn xưa, những tình cờ vì gặp lại đàn anh cùng chiến hạm, những tình cờ gặp lại bạn học cùng quê cùng lớp như đọng lại ở ký ức của mỗi người….
Đời người là một bức tranh thật nhiều mầu sắc phải không các bạn? Các bạn nhớ giữ lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp này và nó treo trên bức tường trong trái tim các bạn để rồi lâu lâu nhìn lại …thật là những khoảnh khắc vô giá.

Là một thành viên trong BTC, Thiện Vũ thật biết ơn tất cả quý bạn trong gia đình 24 đã không ngại tốn phí về dự Đại Hội như anh chị Đỗ tấn Đức, Nguyễn thanh Sang từ Canada, những Phạm Văn Là , Nguyễn văn Bôn từ Floria, những Hồ phước Minh từ Minnesota dù không được khoẻ nhưng cũng lặn lội về , những Hồ đình Bửu từ Mississippi, Huỳnh xuân Phong , Nguyễn văn Lang từ New York, New Jersey…..thật cảm kích quý bạn những đóng góp từ xa này tôi thấy thật đáng ngưỡng mộ. Sự thành công của ĐH50 thật sự là do tất cả quý bạn gần xa đã hưởng ứng lời kêu gọi lải nhải của BTC trở về gặp lại bạn bè chứ BTC chỉ một phần nào đóng góp vào thôi

Bất cứ những buổi tổ chức nào chắc chắn có những thiếu sót, đó là những mầu đen của bức tranh đời các bạn hãy bôi xóa nó đi và tha thứ cho.

BTC sẽ dần dần góp nhặt tất cả những hình ảnh, video của những ngày Đại Hội và gửi đến quý bạn trên YouTube sau.

Gìn giữ sức khỏe để còn gặp nhau vào những lần hẹn tới.

Thiện Vũ


Bài hát điệu Pasodoble được mỡ đầu cho đêm văn nghệ DH 50 của K24



24 Khanh Bui

Lễ Tưởng Niệm của K24 tại Đài Tử Sĩ Hoàng Sa sáng Chúa Nhật 9/3/2023.



NV Cuu

Sinh viên sĩ quan hành khúc của anh Lương Ngọc Tâm



DV Chinh

Kỷ niệm 50 Năm ngày Tốt nghiệp Khóa 24 SQHQ/NT


PD Hoc


Thân mến chào các bạn và các phu nhân,

Đại Hội kỷ niệm 50 năm ra trường của K24 chúng ta đã kết thúc tuần vừa qua. Một buổi họp mặt tạm gọi là Hậu Đại Hội vào ngày thứ Bẩy 23/9 để mọi người cám ơn nhau và BTC báo cáo tổng kết tài chánh của Đại Hội. Buổi họp mặt với sự tham dự trên 30 các anh chị 24 và một số đại diện các Niên Đệ K25 tại nhà hàng Paradise Seafood, nơi chúng ta đã tổ chức tiệc Tiền Đại Hội. Lần gặp nhau này cũng đã chính thức chấm dứt công việc của BTC/ĐH50 tại Nam Cali. Tuy nhiên, tờ Đặc San Kỷ Niệm 50 Năm Ra Khơi và Website của K24 do bạn Bùi Tấn Khanh phụ trách vẫn đang tiếp tục thu góp những hình ảnh, những videos, những bài viết về Đại Hội, về những kỷ niệm của K24 xưa và nay, những hồi ký của các bạn đã về tham dự Đại Hội vừa qua, đặc biệt là các bạn đã đi cruise ship và các bạn đã lưu lại Cali để đi du lịch thêm hoặc đi thăm viếng bạn bè trên San Jose và miền Bắc Cali.. Facebook K24 do hai bạn Võ Đại Vạn và Bùi Tấn Khanh trông coi cũng đang hoạt động rất vui và hữu ích cho mọi người, được nhiều bạn bè theo dõi và xử dụng. Số thành viên mỗi ngày một đông. Chúc mừng và cám ơn hai bạn Khanh và Vạn Võ.

Trong buổi họp mặt này, ban Thủ Quỹ của Đại Hội do hai bạn NĐ Thiện và VV Thiện đảm trách đã công bố về tổng kết tài chánh. Chúng ta rất phấn khởi vì số tiền còn lại của sau Đại Hội là $3,631.69. Tất cả bản kế toán với các mục thu và chi, các biên nhận.. đã được bạn Thiện Vũ cập nhật và lưu giữ rất chi tiết và đầy đủ, mọi thứ rõ ràng và minh bạch. Bạn nào có thắc mắc hoặc muốn đặt câu hỏi nào liên quan đến phần tài chánh của Đại Hội xin liên lạc với bạn Thiện Vũ để nhận được copy bản báo cáo chi thu.

Chúng ta ai cũng rất vui khi quỹ Đại Hội còn lại một số tiền lớn như vậy. BTC chân thành cám ơn đến tất cả những đóng góp tài chánh của mọi người khi ghi danh về tham dự Đại Hội. Đặc biệt số tiền giúp thêm rất rộng rãi của các anh chị 24 và Mạnh Thường Quân. Tiền các bạn ủng hộ việc đặt làm và mua nón kỷ niệm của Đại Hội. Tiền thu được qua việc bán đấu giá những hộp quẹt zippo của anh chị Cao Thanh Tùng biếu tặng BTC. K24 cám ơn anh chị Tùng đã giúp phần gây quỹ Đại Hội thêm được sát nút $1000 đô. Số tiền còn lại này của Đại Hội bạn Thiện Vũ đã bàn giao cho tôi và tôi đã chuyển về bạn ĐĐ Nghĩa, trưởng ban TT/K24, để bỏ vào quỹ Tương Trợ của khóa, dành cho công việc cứu giúp các bạn 24 tại quê nhà mỗi khi bạn nào đó rơi vào trường hợp thực sự cần sự giúp đỡ vì gặp phải hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn hoặc đau ốm bệnh tật. Mua bảo hiểm sức khỏe cho các bạn không có điều kiện để tự mua cho mình được. Cũng nhờ số tiền còn lại này mà ban TT trong một thời gian khá dài trước mặt sẽ không cần lên tiếng kêu gọi sự quyên góp tài chánh trong khóa.

Buổi họp mặt của Hậu Đại Hội này, BTC và mọi người có mặt đã chúc mừng và cám ơn nhau vì đã hoàn thành công việc tổ chức Đại Hội được thành công. Một chậu hoa tươi đẹp của các chị mua và tự trang trí đã mang đến để tặng và cám ơn anh chị Dũng với những đóng góp của anh chị cho Đại Hội qua việc đón tiếp nồng hậu bạn bè và đã mời nhiều anh chị 24 từ xa về lưu trú tại nhà của mình suốt thời gian Đại Hội. Một món quà nhỏ tặng bạn ĐA Dũng do anh NV Nở bảo trợ sẽ về đến trong nay mai. Cám ơn bạn NV Nở nhiều lắm. Thêm vào đó, bạn Vũ Văn Thiện đã tình nguyện tặng cái nón Đại Hội trắng rất quý và hiếm hoi cho chị Dũng, nón đặc biệt này chị rất thích. Được biết chị Dũng đã gởi lại $100 để cho vào quỹ TT. Gia đình K24 cám ơn anh chị Dũng rất nhiều. Một số nón của Đại Hội còn lại và một số button pins quà của Đại Hội hiện thời tôi đang giữ. Bạn nào muốn mua hoặc cần gởi cho ai xin liên lạc với tôi hoặc bạn Thiện Vũ.

Một chuyện đã làm mọi người tham dự buổi họp mặt rất cảm động nhưng cũng vui thật nhiều đó là chị Kim, phu nhân của bạn Lương Văn Huấn và cậu con trai nhận đem về nhà của mình bức ảnh chân dung của 53 bạn 24 đã về với biển sau 50 năm K24 ra khơi để lo việc nhang đèn hương khói. Toàn thể gia đình K24 xin cảm ơn chị và các cháu, kể từ đây hương linh 53 người bạn của chúng ta sẽ được ấm cúng bên nhau trong nhà của chị Kim. Có lẽ bức ảnh sẽ được chị để trong căn chòi mà Huấn Lương rất đắc ý. Nơi đây còn lưu giữ nhiều kỷ vật của Huấn Lương để lại. Căn chòi này nằm trong góc của khu vườn phía sau nhà. Các anh chị 24 khi có dịp đến thăm chị Kim xin thắp một nén nhang cho Huấn Lương và các bạn đã về với biển trong bức tranh để đời này.

Các bạn thân, trong công việc tổ chức buổi họp mặt của khóa năm nay, chúng tôi trong BTC không thể nào tránh khỏi những thiếu sót và khiếm khuyết. Xin các bạn và các phu nhân vì tình 24 mà bỏ qua cho.

Từ ngày hôm nay, ban tổ chức Đại Hội xin được tuyên bố tan hàng chiến thắng!.

Chúng ta hẹn gặp nhau trong dịp hội ngộ của khóa lần tới. Với sự góp ý của nhiều anh chị 24, những Đại Hội sau này của khóa có lẽ sẽ được tổ chức trong khoảng 2 năm một lần thay vì mỗi 5 năm như trước đây. Tuổi tác của chúng ta mỗi ngày một tăng mà sức khỏe thì đang trên đà tuột dốc không dễ gì mà ngừng lại!. Mỗi người hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe để chúng ta còn có nhiều cơ hội được gặp lại nhau. Mến chào và thân chúc các bạn cùng gia quyến luôn được yên lành và bình an khỏe mạnh.

BTC Đại Hội
Thiện Vũ Thiện Đỗ Thuận Dũng Thành Cửu + các Phu Nhân và tất vả các anh chị 24 Nam Cali


Nguyễn Văn Cửu



Mừng Kỷ Niệm 50 Năm Ra Khơi K24 SQHQ NT_Clip 1



Mừng Kỷ Niệm 50 Năm Ra Khơi K24 SQHQ NT_Clip 2

Trần Vĩnh Thuận

Trăng Khải
Lương Văn Mỹ (bút danh Lê Tâm Chánh)

1949. Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt...
Gia tộc Trần Thiện Khải vốn là dòng dõi võ quan triều đình Huế. Một vài bạn cùng quê với Khải kể lại rằng: Ông cố của Khải trấn nhậm một phủ ở miền Nam, đến lúc được chiếu chỉ hồi đáo về triều thì trên đường đi, cụ bị ngã bệnh và tạ thế ở Ninh Thuận. Gia đình phải trụ lại đó. Khải trở thành "người Phan Thiết". Dù là cháu quan võ, máu văn nghệ cũng chảy rần huyết quản họ Trần. Trần Thiện Khải nhỏ tuổi hơn, nhưng lại đóng vai chú của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường. Hết trung học ở trường Phan Bội Châu, Khải xách cây đàn thùng vào Sài Gòn để theo tiếp bậc đại học thời cuối thập niên 60, lúc chiến sự đã lên cao điểm sau trận Mậu Thân.

1971. Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt...
Giòng máu võ quan đâu đó trong người sôi sục, Khải rời những con đường cây dài bóng mát để làm quen với thao diễn trường nắng cháy da người. Sau mấy tháng căn bản Quang Trung và gần nửa năm thực tập trên các tuần duyên hạm, Khải vào khóa học chính thức ở Nha Trang: Song Ngư II. Vẫn không quên mang theo cây đàn.

Khải ít nói, và cũng không nhiều bạn. Chỉ nói điều rất cần nói, cho người rất cần nghe. Không thiếu, nhưng nhất định cũng không để thừa chữ nào. Người không quen cứ bảo là tính Khải hay "cộc". Bạn đã thân thì biết rõ Khải trọng chiều sâu hơn diện rộng, và không thiết những điều phù phiếm. Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian này cũng không. Khải sống rất thật, và sống hết mình. Ghét nhất là tính đãi bôi. Châm ngôn sống -dao to búa lớn một chút gọi là nhân sinh quan- của Khải có thể đúc gọn thành 3 chữ: "Có đáng không?". Sau đó tra thêm một động từ vào giữa. Có đáng nói không. Có đáng chơi không. Có đáng làm không.... Mà hễ nói thì không ngại ai. Còn hễ làm thì không ngại việc. Nhất định sẽ làm tới nơi tới chốn. Làm kỳ được.

1972. Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo...
Trong số 280 sinh viên cả khóa, Khải thuộc hàng cao thủ "độc cô cầu bại" về ngón đàn thùng cổ điển. Tất nhiên, không thể nào tưng tửng khảy đàn trong thời huấn nhục. Lúc nhập khóa, ít ai biết tài chơi đàn của Khải, nên đã bầu anh Lương Ngọc Tâm làm Trưởng ban Văn nghệ ,vì trước khi nhập ngũ, anh Tâm là người sáng lập và cũng là trưởng ban nhạc trẻ 3 Con Mèo (The Cat Trio). Khải hợp lực hết mình trong ban nhạc 24. Lúc sinh viên khóa 23 đàn anh ra trường, 24 lại chưa có đàn em, vì đây là khóa học đầu tiên áp dụng lại chương trình hai năm như các khóa 18 trở về trước. Không đàn anh. Chẳng đàn em. Sáu tháng này đúng là "vàng son một đận" của Song Ngư II, nói chung.

Bấy giờ, Khải thường ôm đàn ngồi trên bậc tam cấp của doanh trại mà dạo nhạc hàng đêm. Có đêm, ánh trăng xuyên qua hàng dương rọi xuống khoảnh sân cát kéo láng từng đốm sáng dị hình. Tiếng đàn của Khải lại vọng ngược lên tầng không, vi vu hòa âm cùng gió biển thầm thì. Khải có những trăn trở riêng. 24 nhập học vào thời Lam Sơn 719 cháy bỏng. Rồi Bình Long An Lộc trùng điệp mấy tầng vây hãm. Qua năm sau là cờ bay trên Quảng Trị thân yêu ở khúc cuối Đại Lộ Kinh Hoàng của mùa hè đỏ lửa. Các sư đoàn tổng trừ bị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân được điều động trám chỗ như sao xẹt khắp bốn vùng chiến thuật. Vậy mà tuyệt nhiên sinh viên trong trường không được biết gì nhiều về tin tức chiến sự và những bài học rút tỉa. Sinh viên bên trường Không Quân cũng vậy. Đám sinh viên Võ Bị xuống Nha Trang học chuyên ngành cũng không khác. Các giờ học chiến tranh chính trị chỉ đạt hiệu năng ngủ bù cho những ngày đi bờ hay những đêm chụm đầu cà phê thuốc lá. Người ở lại Charlie không đủ để trả lời dứt khoát nỗi hoang mang ...Em hỏi anh bao giờ trở lại? Báo chí Sài Gòn chỉ nói về tham nhũng, về buôn lậu có còi hụ, và về những hoạt động xôi đậu của đám khoa bảng lửng lơ thuộc thành phần thứ ba. Hay nói về chính sinh hoạt báo chí những ngày ký giả ăn mày... Sinh viên sĩ quan được trang bị rất dày về kỹ thuật, cả chỉ huy, thiên văn, khí tượng, hải hành, hải pháo và ...cơ khí, nói chung là trên trời dưới nước đủ cả; nhưng lại rất mỏng về bối cảnh, ý thức và vai trò trong cả cuộc chiến. Làm sao ra trường thạo việc cốt lõi mà đánh đấm cho ra hồn? Đã vậy, Hải Quân hành khúc vẫn cứ rạt rào "Ra đi không vương thê nhi". Tác giả chưa từng đi lính hay chưa từng lập gia đình?

1973. Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi...
Ai vậy? Khải không kể, không nói. Cũng ít khi nghe gọi tên nhận thư. Chỉ ôm đàn ra ngồi dưới bệ tượng thánh Trần ngoài công viên Thánh Tổ mới xây, lặng ngắm Hòn Tre mờ mờ ngoài khơi, đợi con nước lớn, chờ vầng trăng lên. Nhưng, để ý kỹ, tiếng đàn của Khải ngày càng ngọt hơn cho tới lúc ra trường. Kỷ yếu ra trường của khóa, mỗi đứa một trang, in hình, ngày sinh, quê quán, và ước vọng, để sau này lật ra xem lại mà nhớ nhau, và có khi là để ghi thêm ngày thủy táng. Lắm anh dệt mộng hải hồ ở phần ước vọng này. Bao nhiêu bến nước bấy nhiêu bến tình! Thực tập trên đệ thất hạm đội! Tu nghiệp ở San Diego! Ghi nhật ký hải hành trên Soái hạm! Hoặc giả, xa hơn nữa, mong một ngày ...sao rơi trên áo! Mỗi chàng một kiểu, mười trang đủ mười. Khải chỉ ghi vỏn vẹn mấy chữ: "Ước vọng lớn lắm, viết không đủ". Bạn sơ bảo thằng này... lối! Bạn thân, phải rất thân, mới biết chí khí Khải ngất trời.

Học viện Hải quân Nha Trang có truyền thống cho sinh viên chọn nhiệm sở lúc ra trường ưu tiên theo thứ hạng tốt nghiệp. 280 ô nhiệm sở được vẽ sẵn trên bảng. Thường ra, 2 hoặc hơn 2 nhiệm sở là thuộc cùng một đơn vị. Tổng cộng có trên 100 đơn vị. Mỗi người chọn một ô, lần lượt từ thủ khoa đến vĩ khoa. Sinh viên vĩ khoa được nhận thêm một chiếc đồng hồ Seiko-5, như một quà tặng an ủi vì không còn chọn lựa nào khác. Các đơn vị tàu biển thường được anh em chọn trước. Từ hạm đội, tới hải đội, tới duyên đoàn... Phần nhiều các ô nhiệm sở giang đoàn tác chiến vẫn để trống và ưu ái dành riêng cho các bạn cuối sổ, đặc biệt là các nhiệm sở kiêu hùng thuộc Lực Lượng Thủy Bộ. Khải từng thực tập nhiều tháng trên tàu tuần duyên trước đây, giỏi Anh ngữ, lại đậu cao, nên khi ra trường chọn ngay nhiệm sở tuần duyên HQ614, phần lớn công tác trên hải phận vùng 1 và vùng 2 duyên hải. Vậy là Thiếu úy Khải bấy giờ chưa có duyên gặp gỡ vị Phó đề đốc Tư lệnh Lực Lượng Thủy Bộ trẻ tuổi và nổi tiếng của cả hải quân Việt Nam.

Những tách cà phê, những điếu Bastos quân tiếp vụ chuyền nhau. Cả khóa chia tay, bung nở như bắp rang trên một tấm bản đồ da beo sau hiệp định Paris. Cộng sản đã hợp thức hóa được những vùng cát cứ trong Nam. Những ngày đầu tân đáo đơn vị, nhiều người bạn của Khải đã thả chiến đỉnh dọc theo sông lạch để bắn gãy từng dãy cờ ba màu. Những mật khu Hốt Hỏa, Cồn Kẻm, Thạnh Phong... trở thành vùng oanh kích tự do. Kinh Phụng Hiệp vừa được khai thông xuống tới U Minh Thượng và U Minh Hạ.

1975. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này...
Đứt phim. Gãy gánh. Rã đàn tan nghé. Song Ngư II ra trường chưa đầy 2 năm. Vài đứa rơi rụng trận Hoàng Sa. Đám còn lại chưa đứa nào kịp đổi nhiệm sở. Cũng chưa kịp vẽ thêm 1 gạch mỏng trên cầu vai. Hơn nửa khóa kẹt lại, chờ ngày đăng ký tù cải tạo. Một số trôi dạt ra hải phận quốc tế rồi qua Phi. Mọi người chỉ nghe trên máy truyền tin giọng nói duy nhất của vị Tướng hải quân trẻ tuổi lừng danh vừa kể điều động cả hạm đội ngày di tản. Lần đầu tiên, Thiếu úy Hạm phó Trần Thiện Khải được nghe lệnh trực tiếp từ Phó đề đốc Tư lệnh Hoàng Cơ Minh. Nhiều bạn khác không được vậy. Có đứa lái khinh tốc đỉnh PCF dọc sông Lòng Tảo rồi nhảy lên tàu Trường Xuân. Có đứa đi bằng ghe Ferro xi măng -do Hải quân Công xưởng Việt Nam chế tạo cho nhu cầu trấn thủ các cửa sông- từ mờ sáng ngày 1 tháng 5, mất mấy ngày liền mới tới Singapore, nhưng không được quy chế tỵ nạn cộng sản, phải vòng về Phi. Không mộng ước thực tập đệ thất hạm đội cũng phải qua Subic Bay và Orote Point. Không mơ ngày tu nghiệp ở Hoa Kỳ cũng lục đục qua Guam, qua Wake, rồi qua Mỹ. Đứa thì Marines Camp Pendleton (San Diego, California). Đứa thì Fort Indiantown Gap (Philadelphia). Đứa thì Eglin Air Base (Florida). Đứa thì Fort Chaffee (Arkansas). Khải rơi vào trại Fort Chaffee, cùng với một số bạn khác, hầu hết đều độc thân: Đỗ Thành Huấn, Lương Văn Mỹ, Nguyễn Sáng Chiếu....

Khải sớm nhận được giấy tờ của nhà thờ bảo trợ ở Rhode Island, rời trại trước anh em. Đêm trước ngày rời trại, Khải nhận 20USD theo thủ tục giắt túi cho chi phí ăn uống đi đường, nhưng lại mời cả đám 24 ra sân cỏ trước thương xá nhà binh PX cùng uống với nhau một ly bia bọt chia tay. Mỹ mượn được cây đàn thùng của nhóm thanh niên Phật tử. Khải cầm đàn yêu cầu mỗi đứa hát một bài. Toàn những khúc sầu nhớ, rã rượi, buông xuôi. Cả đám xúm nhau điểm danh đám bạn còn gặp được mặt nhau ngày đứt phim và kể chuyện hạ kỳ lần cuối khi tàu vào cảng Subic, mỗi đứa một phiên bản khác nhau, ngoại trừ điểm chung là những giọt nước mắt tức tưởi của đám đàn ông bỗng dưng bị trói tay thả trôi ra biển. Tới phiên sau cùng, Khải dạo bài Tan Tác của nhạc sĩ Tu Mi: "Bây giờ chim đã bạt ngàn khôn tìm...Cách sông cách núi muôn trùng...Gió ơi...". Hỏi ra trại định làm gì? Khải bảo: Đi học. Và khuyên các bạn 24 nên theo học lại ngành nào từng mê thích trước khi vào lính. "Để sau này còn có chỗ tiến tới. Có khi tiến tới chính là trở về, không chừng!". Rồi ghi số điện thoại của nhà thờ bảo trợ. Rồi chia tay, lần nữa. Huấn Đỗ về California. Lý Văn Quy về Kansas. Chiếu & Mỹ cùng về Minnesota. Mấy đứa còn lại mỗi đứa một nơi...

1976. Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò...
-Alô, Mỹ hả? -Alô, Khải hả, đang ở đâu đó? -New York! Mỹ rủ mấy bạn bên đó qua đây nghe diễn thuyết nha! -Khi nào? -Cuối tháng 5. –Ai thuyết? –Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh! –OK, bọn này sẽ qua DC dự lễ Phật đản rồi chạy lên NY gặp Khải.

-Alô, Khải ơi, Mỹ đây! -Đang ở đâu vậy? –DC! Sorry Khải, bọn này phải quay xe về lại Minnesota. Thằng Chiếu bị tai nạn lật xe, gảy giò. Hai thằng em nó cũng đang nằm nhà thương, không ai lo. Đi nghe diễn thuyết có gì hay kể bọn này nghe với, nha! –OK, Mỹ, hẹn dịp khác!

Dịp khác không có chuôi để cho ai nắm. Dịp khác thoảng qua như gió, không quay lại. Nhà Phật bảo là thiếu căn duyên. Nhiều bạn vượt biên đã qua tới Mỹ, tới Úc... Khải ra trường năm 79. Nhiều bạn khác ra trường năm 80. Vài đứa gửi thiệp hồng mời bạn bè về dự lễ cưới. Nhiều đám tụ họp cụng ly côm cốp, cười nói râm ran. Khải vẫn cu ky độc thân một cõi. Nó đợi ai? Nó tính chuyện gì vậy cà? Nó bảo nó chưa muốn thả neo. Nó bảo nó không muốn được nuông chìu hay bị ràng buộc. Cái thằng đến lạ! Mà hẳn phải vậy. Ước vọng của nó đâu phải là tấm văn bằng hay một mái ấm. Ước vọng của nó lớn lắm!

1981. Chàng từ đi vào nơi gió cát...
–Alô, Mỹ hả? –Alô, Khải đang ở đâu vậy? – Bắc Cali. Gọi chia tay với Mỹ. Nhờ Mỹ nói lời chia tay với các bạn khác. –Chia tay ...để đi đâu? -Về chứ không phải đi. –Mình bay qua gặp Khải được không? –Không kịp đâu, sáng mai rời đây rồi. Cho mình gửi lời chúc thành công đến các bạn 24, và một lời nhắn đừng quên Việt Nam. Đừng quên Sài Gòn đã bị xóa tên. Làm gì cũng phải nhớ đến lần cả bọn trôi ra biển. Còn đám bạn không kịp trôi nữa... -Ừ, sẽ làm đúng theo lời Khải. Làm sao liên lạc nhau? -Đừng lo, sẽ có tin. -Ừ, nhớ báo tin nha! -Thôi bye Mỹ! -Thượng lộ bình an nha Khải!

Tuần sau, thằng bạn ở Oklahoma nhận được mấy chữ viết vội của Khải, kèm theo là bản sao 3 bài nhạc viết tay, thay cho một cái bắt tay giã biệt:

...một ngày kia chim đàn reo vui ngày hội
mừng quê ta thái bình em bé hát vang
toàn dân quân chào đón khúc ca khải hoàn
nước Việt mình nam-bắc sống bình yên...
(Một Ngày Kia – 1980)

...em vẫn đợi anh về, mơ một ngày vui hội trùng dương
quê hương đẹp rạng ngời, đôi ta về thăm lại ruộng nương
trên lối quê làng cũ, lũ bé thơ hát ca mừng reo
muôn nơi sạch giặc thù, đôi ta cùng trọn đời bên nhau...
(Em Vẫn Đợi Anh Về - 1980)

...Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi, đất nước ta sẽ qua cơn nhọc nhằn
sức anh sức em chung một lòng, ta sẽ cùng xây đắp núi sông...
(Sài Gòn Ngày Chiếm Lại - 1980)

Sau đó khá lâu anh em mới biết Khải gọi nhờ cú phôn từ giã đó từ appartment của anh bạn Lê Văn Nam. Còn chuyến đi đó là Khải tháp tùng chuyến mở đường của Thầy Minh về dựng chiến khu. Trời ơi, chí khí như vầy viết sao hết?

1981. Chỉ ngang ngọn dáo vào ngàn hang beo...
Xốn xang không chịu được. Không dưng cứ bắt nghĩ hoài, nghĩ hoài, về những thay đổi cùng trời cuối đất để thích ứng với môi trường lạ hoắc của bạn ta, một tên lính thủy lên rừng: Từ chiến hạm tới chiến hào - Từ tiểu lễ trắng tới bà ba đen - Từ dây biểu chương đỏ tới khăn rằn xám – Từ tách cà phê Hầm Gió tới ca nước gạo rang tam biên - Từ cá thu tươi tới khô cá hố – Từ kính sextant tới la bàn bỏ túi - Từ thứ bảy đi bờ tới chiếc võng và cây đàn dưới gốc bằng lăng trong ngày "Im Lặng" - Từ Gunship PGM với cao xạ Beaufort 40mm tới sức mạnh dân tộc là chính - Từ dĩa chateaubriand steak ở Thanh Bạch tới ca mì gói MaMa chua cay trơn tuột - Từ gói Cotab béo ngậy tới bịch thuốc rê khét đắng - Từ thẻ kẹo Chicle gum tới vốc quinine - Từ "ra đi không vương thê nhi" tới Lá Thư Người Kháng Chiến...

thức suốt đêm nay anh viết về cho em yêu
anh viết về cho con ngoan với những dòng thương mến
nơi đây cây lá như đang thì thầm
bên ánh lửa đang bập bùng làm lòng anh nhớ mong
dứt áo ra đi anh quyết vì làng quê
đang mong ngóng từng người trai mau mau trở về quê cũ
em ơi, em nhớ hiểu cho rằng là đất nước ta
đang đợi chờ và giục anh bước về...
...em ơi, ngăn cách ta đâu sờn lòng
mong non nước mau hòa bình: đẹp ngày vui chúng mình.

Vợ còn chưa có, có chi con. Vậy mà cứ làm nhạc biên thư gửi vợ, thăm con. Khải đang xỏ chân vào đôi giày của một vài bạn đi cùng chuyến chăng? của bạn Nguyễn Trọng Hùng? của bạn Trương Tấn Lộc? của những người chỉ dõi mắt nhìn về phía Đông là phía trước?

1981. Xưa nay chiến địa dường bao...
Lại nghĩ tiếp, về bạn mình. Thử mường tượng ra những ngọn núi chơ vơ giữa rừng già nhiệt đới. Cây cao, bóng cả. Ngày nóng, đêm lạnh. Muỗi vắt tràn đầy. Bạn mình học trong lều, những lớp chân truyền. Bạn mình họp trong hốc núi, bẻ nhỏ chiến lược canh tân đường dài miên viễn thành chiến thuật giải phóng giai đoạn trung hạn và ngắn hạn. Bạn mình ghi chép tài liệu bằng cái máy đánh chữ Remington mổ cò tróc sơn của Thầy Minh cho mượn. Bạn mình soạn bài giảng trên chiếc bàn tre ọp ẹp, về các kỹ thuật vận động đồng bào thành phong trào quần chúng. Bạn mình trang bị lại cho nhiều bạn khác ngồi bệt dưới những tàn cây, cả những bạn từ bên kia trở về với khẩu AK hoặc 1 cây B. Ngày dạy. Tối gác. Tắm suối. Ngủ võng. Chu kỳ làm việc 9 ngày thay cho một tuần 7 ngày. Bạn mình ngồi ghé lên tảng đá cạnh lều, khảy đàn làm nhạc. Thỉnh thoảng có một tối sinh hoạt đông người, có chè đậu, có đống lửa, có đàn thùng...

bùng lên bùng lên lửa thét vang trong rừng đêm nay
bùng lên bùng lên lửa thét vang trong lòng reo sôi
bùng lên bùng lên lửa thét vang trên vạn đôi vai
lửa thét vang trên mặt sáng ngời
bùng lên bùng lên lửa ơi bùng lên xóa tan đêm dài ...
bùng lên bùng lên lửa sáng soi nung hồng tim anh
bùng lên bùng lên lửa sáng soi nung hồng tim em
bùng lên bùng lên lửa sáng soi nung lòng muôn dân
lửa sáng soi nung lòng xóm làng
bùng lên bùng lên lửa ơi, bùng lên phá tan gông xiềng.
(Lửa Cháy Trong Rừng - 1981)



1981. Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu...
Lửa trong tim. Lửa trong máu. Lửa trong rừng. Lửa muốn bùng, muốn lan về tận đồng bằng Âu Mỹ. Lửa muốn vươn lên tận Na Uy cực Bắc. Lửa muốn rọi xuống Úc cực Nam. Lửa muốn bùng cao ngọn tràn về Việt Nam yêu dấu. Nói gì đây với các bạn đồng lứa? Nhắn gì đây với các bạn đồng khóa, các bạn đàn anh, các bạn đàn em, các bạn cùng trường, các bạn đã từng một thời ở cùng chiến tuyến? Núi sông vẫn đang chờ mãi? Dân ta vẫn đang chờ mãi? Đến khi nào?

Chính Khải cũng đang chờ mãi. Bao nhiêu bạn 24 giơ tay? Bao nhiêu bạn khác, đã gặp và chưa gặp, có chung một tần số suy tư về đất nước? Bao nhiêu bạn đã quen và chưa quen có chung một ước vọng thiết lập đài phát thanh kháng chiến? Bao nhiêu bạn sắp quen sẽ chuyển đổi ước mơ thành hành động? Bao nhiêu bạn sắp quen sẽ có dịp cùng hát vỡ phổi Bài Ca Đông Tiến?

rừng đêm nay âm u bóng trăng mờ mờ xa biên khu
đoàn người đi bên nhau mắt căm hờn còn in bóng thù
chìm trong cây tiếng chim như giục lòng ai
gió theo như giục bước dài
màn sương rơi thấm vai, núi sông vẫn đang chờ mãi
quyết thề cùng lòng chiến đấu cho một ngày mai
ơi! anh em ơi! tiến qua trời đông, quân reo vang khắp nơi tưng bừng
ơi! anh em ơi! tiến qua trời đông, mai sương tan đón thái dương hồng
nắng say men lòng rung khắp nước Nam
đoàn quân qua phương đông, mắt trông vời miền quê xa xăm
rừng hôm nay hân hoan đón ta về toàn dân réo mừng
thù kia ơi, bấy lâu ta còn nung sôi, bấy lâu ta còn nhớ hoài
dù xương rơi, máu rơi, núi sông vẫn đang chờ mãi
quyết thề cùng lòng chiến đấu cho một ngày mai
vượt Trường Sơn đêm nay, bước chân dài lòng ta mê say
hành trang mang trên vai, lá cây rừng còn in dấu giày
thù chưa vơi, nước non như giục lòng ai, bước đi ta còn bước hoài
dù chông gai, hiểm nguy, núi sông vẫn đang chờ mãi
quyết thề cùng lòng chiến đấu cho một ngày mai
(1981)

1982. Thuở đăng đồ, mai chưa dạn gió...
Ngày lên đường, chẳng màng hoa lài hoa sói, nói gì mai lan cúc trúc. Nay lủi thủi trong rừng, bóng người chen bóng lá. Liệu là bạn mình có để ý... Nếu mai không nở... ai nhắc xuân về? Tết ngoài này là một quay đầu ngó lại, và ngó nhau. Hải ngoại đã bắt đầu có bánh chưng xanh, có tràng pháo đỏ. Có hàng mứt đủ màu. Có cành đào sai nụ...

Hải ngoại có cả thư nhà kể chuyện xuân về trên vùng kinh tế mới. Bo bo với bột mì không gói được bánh tét bánh chưng. Thằng em trai còn đang tính kế trốn nghĩa vụ quân sự, con em gái phải bỏ ngang công trình thủy lợi, hỏi còn lòng dạ nào ăn Tết? Gói bột ngọt và chiếc quần jeans gửi về đã chạy ra chợ trời tức khắc. Xuân đến làm gì? Tết nhứt mà chi?

Còn bạn ta? Tết nhứt trong đó ra sao? Có được thêm gói thuốc thơm, khúc lạp xưởng, nhúm trà tàu và đôi ba cây viết Bic?

...mừng mùa xuân chim vang trên cây lá
bước chân xa phiêu du thoáng nghe tưng bừng
mặt trời loang trên vai chan tóc gió
tiếng quân ca bên nhau chiều nay ầm vang
mùa xuân khởi nghĩa toàn dân hôm nay
thề giải phóng đất nước hết quân tàn ác
vòng tay anh cứng như đồng
bàn tay em mát như lòng
cùng chung ta quyết phá tan gông cùm
bừng mùa xuân non cao lên thét
thoáng xa xa mê say suối reo vang rừng
một đoàn quân mơ xuân theo ánh mắt
nhắn quê xưa một ngày khởi nghĩa thành công
(Mùa Xuân Khởi Nghĩa - 1982)

Hóa ra, trong đó, xuân hạ thu đông chẳng khác gì nhau. Túm lại, với các kháng chiến quân, rừng già chỉ có hai mùa: mùa mai phục và mùa khởi nghĩa. Dường như anh em đã có cảm giác bó chân, học hoài mà chưa được lệnh xuống núi. Bài nhạc xuân, do vậy, có hơi hướm cuồng cẳng của những con người nghĩa dũng chờ phát pháo lệnh.

1983. Sứ trời sớm giục đường mây...
Cương Lĩnh Chính Trị. Đại Hội Chính Nghĩa. Cơn sóng trào dâng triệu triệu người. Mắt sáng. Môi cười. Mặt ngẩng cao. Tay bắt tay vồn vã. Chưa bao giờ người Việt Nam ở nước ngoài có thể tập họp mười một ngàn người một lúc, một chỗ. Tình nhớ, Tình sầu, Tình xa, Tình lận đận, và cả Tình tang hay Tan tác nhạn đã xa bầy... hoàn toàn không còn chỗ đứng, không chen vào đâu được.

"Vì tương lai của dân tộc, vì tương lai của đất nước, vì tương lai của con em chúng ta, vì tương lai của chính chúng ta, vì tương lai của toàn thể Việt Nam yêu dấu"... Đỉnh cao lòng người bây giờ là phất phới cờ bay... Hẳn là bạn mình trong kia không khác:

...cờ bay, cờ bay, quân ta về rộn như sóng khơi
đường xa tràn tới, sát vai nhau ta thề giành lại quê xưa
tiến lên đoàn quân ơi, cờ tung bay bay khắp mọi nơi
cờ tung bay lừng vang thế giới
trái tim anh nung hồng, trái tim em không sờn
làm cho xứng danh giống nòi Việt Nam
(Cờ Bay Trong Vòm Trời Cũ - 1982)

1984. Chàng từ sang Đông-Nam khơi nẻo...
Thế nào Khải cũng reo vui: Các bạn Khải ngoài này nhập cuộc: Lê Mỹ Long, Nguyễn Ngọc Mi, Lương Văn Mỹ, Nguyễn Cửu Chi, Tô Tiếng, Trần Văn Luyến, Nguyễn Văn Phẩy, Nguyễn Đăng Tiến, Đặng Viết Nghị,... rồi có thêm Nguyễn Hòa Nguyên góp sức...

Chưa đáng kể. Thế nào Khải cũng reo vui hơn thế nữa: Nhà văn Võ Hoàng về khu chiến. Măng đầu mùa, gởi lại. Câu chuyện người ăn mày và cánh cửa đóng, gởi lại. Đi, hành trang có niềm tin, quyển thơ Nguyễn Trãi, tấm hình vợ con. Lại thêm một tay lính thủy lên rừng. Cũng là dân ít nói. Chỉ làm. Làm tận mạng. Hợp rơ nhau là chắc. Chẳng vậy mà chỉ ít lâu sau, mọi người nhẩm hát bài "Ngủ đi em, mai sáng lên đường", thơ Võ Hoàng, đề tặng Trần Thiện Khải.

Ngủ đi em. Đêm tối trời hay đêm có trăng? Đừng bận tâm. Ngủ đi em. Chờ sáng lên đường. Chờ ngày hội ngộ.

ngồi quanh xem trăng sáng chiếu ven chân rừng
lặng lẽ muôn ngàn lá ru lời theo gió
trăng nhắn mong ai từ chiến khu mờ
bên lửa hồng một ngày xông pha giết thù
rừng ơi mang trăng sáng đến rung bao lòng
vì nước nên lìa mái gia đình êm ấm
trăng hỡi theo ta về dưới mái nhà
nhắn ai chờ một ngày ta sẽ trở về!
chân vui theo bước tang bồng
đêm nay ôm súng mơ mộng
hẹn người cuối tận trời mong
một ngày cách mạng thành công
cây nghiêng nghiêng bóng mây dài
quê hương đang thiết tha lời
từ ngày quân giặc vào đây
là ngày oán hận ngàn nơi...
hò ơi, hò hỡi, lòng đã quyết ra đi
vì vương mang câu thề
ngày mai sông núi kia
ngời xanh bao ước mơ...
đàm chim say trăng sáng ngủ yên trên cành
trời lắng đêm dần vắng sương lạnh rơi xuống
vai sát bên vai, lòng ấm bên lòng
mắt căm hờn chờ ngày đi ra chiến trường.
(1982)

Trăng Chiến Khu - Mori No Naka No Tsuki No Hikari. Giáo sư Masuda -khoa trưởng kịch nghệ đại học Tamagawa- đã chuyển ngữ sang tiếng Nhật và làm nhạc đệm cho vở kịch Nhớ Về Biển Cả Xa Xăm.

Lại biển. Những cánh buồm chuyển bến. Những con tàu đưa người qua eo biển buông xuôi, cặp bờ quật khởi.

1986. Biết nay chàng tiến thảo nơi đâu...
Đại hội Trưởng Cơ Sở kỳ I, ở hải ngoại. Khải không ra. KCQ Võ Hoàng thay mặt toàn thể anh em trong đó để sinh hoạt với tất cả anh em về dự đại hội. Bất ngờ. Hỏi thăm về Khải, bạn Võ Hoàng chỉ nói dữ kiện: khỏe, hăng... vậy thôi! Nhưng qua câu chuyện cả đêm, anh em hiểu ngầm ý nhà văn kháng chiến muốn kể là Khải nhường công tác cho các bạn có gia đình ngoài này được dịp về thăm một thoáng. Nhắn gì cho bạn? Gửi gì cho bạn? Lột cái đồng hồ nhờ bạn Võ Hoàng trao dùm cho Khải làm kỷ niệm, bạn ta không nhận, bảo rằng Khải sẽ không nhận đâu, vì không muốn khác với anh em trong đó. Hết đường nằn nì năn nỉ. Thôi, chỉ xin gửi một lời nhắn: mong Khải giữ gìn sức khỏe. Võ Hoàng gật đầu. Vậy nha! Thăm Khải và làng Đồng Sơn mà Khải từng qua.

có những người em chờ anh trong gió
mái tóc nhẹ bay che cánh môi hồng
em ngắm trời xanh cười tươi hớn hở
ô! các anh về áo nhuộm phong sương
có những người em bàn tay xinh xắn
nấu bát chè tươi anh uống cho đầy
đôi mắt hồn nhiên ngồi nghe anh kể
chuyện giết quân thù ở tận chốn xa
có những người em đi chân trần áo xậm
thức sớm ngủ khuya đợi chờ tin kháng chiến
có những người em bên nương cà đám ruộng
dãi nắng dầm mưa một lòng thương mến anh
có những người em chờ anh trong nắng
cây lá chợt vui anh ghé qua làng
đôi má hồng nhan chiều nay bỗng thẹn
anh chiến khu về tóc lộng biên cương
có những người em lòng như hoa sớm
thương những người trai mãi miết sông hồ
đôi mắt dịu êm dường như đã hẹn
ơi các anh về giải phóng quê ta
(Những Người Em Ở Làng Đồng Sơn - 1982)

1987. Trải mấy thu, tin đi tin lại...
Khải đã chờ từ ngày đặt chân lên Orote Point. Khải đã trải lòng ra với anh em về hai chữ Đi-Về từ ngày rời Fort Chafee. Khải đã tự mình nung nấu suốt thời gian theo học ở Rhode Island. Khải đã nhắn lời chia tay với anh em qua cú phôn từ Bắc Cali. Khải đã về. Lần này, Khải đếm những bước cuối trên đoạn đường về. Với Thầy. Với bạn Võ Hoàng. Từ tam biên ngoài tới tam biên trong. Đích đến là vùng cao nguyên Tây Trường Sơn.

một đoàn quân đi từ sáng tinh mơ rồi
ngàn chim ca hát chào đón bao nụ cười
hẹn cùng ai đó hãy nhớ nhé
đường về quê cũ không bao xa
khắp nơi mong chờ ta quyết đi dựng bóng cờ
mặt trời réo vui vui trên vai
một ngày xinh tươi trên môi
chở đời đổi mới đến vạn lòng thôi.
(Một Đoàn Quân - 1981)

Đi, hành trang có niềm tin... Không chỉ niềm tin son sắt, mà là cả tấm lòng phơi gan trải mật.

chấp nhận đầu mình rơi, mới mong trăm đầu khác mọc
chấp nhận đầu mình rơi, mới mong trăm đầu khác mọc
dù hy sinh tấm thân trong cơn lửa binh
cùng hiên ngang đứng lên tung đập xích xiềng
...chấp nhận đầu mình rơi, mới mong trăm đầu khác mọc
chấp nhận thân mình gục, mới mong ngàn thân khác đứng lên.
(Chấp Nhận Đầu Mình Rơi - 1981)

1981, lúc Khải về chiến khu, thế giới chưa dùng phone di động, cũng chưa có cả cordless, nói gì wi-fi. IBM còn đọc data bằng phiếu đục lỗ. Đây là lúc đám bạn 24 di tản của Khải ở Mỹ tốt nghiệp đại học nhiều nhất, cùng lúc, cũng là thời những bạn 24 khác của Khải ra tù cải tạo và vượt biên nhiều nhất.

1987, lúc Khải vào chặng cuối con đường Đông Tiến, "xông pha gió bãi trăng ngàn, tên reo đầu ngựa, dáo lan mặt thành", cũng là lúc Tổng thống Reagan đứng trước bức tường Bá Linh và để lại câu nói bất hủ: "Mr. Gorbachev! Please tear down this wall". Bức tường ô nhục đã sập trong tim những người yêu chuộng tự do nhiều năm trước đó. Bức tường Bá Linh đã sập thực sự 2 năm sau đó. Có còn chăng, bấy giờ, nói theo Bắc Phong, là những bức tường ngờ vực, tị hiềm và vị kỷ trong lòng chúng ta.

1987, dân Mỹ chỉ mới nâng cấp vi tính từ dàn Intel 386 lên 486. IBM đã nâng cấp dàn máy đánh chữ mổ cò lên máy đánh chữ quả cầu, vẫn còn nghênh ngang thế giá trong các văn phòng, các công ty. Thế giới bấy giờ chưa có CD Rom Drive. Cũng chưa có Starbuck Coffee. Cái ca cà phê gạo rang của Khải và cái máy đánh chữ mổ cò mà Khải thường xin dùng nhờ của Thầy bây giờ ở đâu?

1989. Tới xuân này tin hãy vắng không...
Đoàn khác lên đường. Vừa tìm Thầy, tìm Bạn; vừa nối gót các bạn tiên phong thâm nhập tiếp. Nhồi sóng. Liên hoàn. Đứng lên.

Trong tiết mục Văn Học Nghệ Thuật của đài Việt Nam Kháng Chiến, phát thanh ngày 15 tháng 5 năm 1986, nói về "Tình yêu và Quê hương trong Kháng Chiến Ca", có đoạn:

"... Trong nhiều bài ca kháng chiến, tình yêu được ca tụng nhờ tính thanh cao và hy sinh của nó. Nỗi lòng của những người mẹ, người vợ, người em, người yêu, v.v... là nỗi lòng của những người thiết tha với quê hương, sẵn sàng hy sinh những tình cảm bấu víu, tạm bợ, mong manh trước mắt, để hòa lòng vào nhịp đập đấu tranh cách mạng của toàn dân trong giai đoạn cứu nước này. Can đảm khuyến khích người thân dấn bước lên đường làm nhiệm vụ cứu nước, sẵn sàng lăn xả vào đấu tranh không kể gì đến thân mình và một lòng tranh đấu cho quê hương... chính là tấm lòng cao cả, là những tấm gương sáng và là tình yêu mà Kháng Chiến Ca đang xiển dương, hát tặng...".

Những người chinh chiến bấy lâu. Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây. Miễn là có người nối bước. Miễn là có người đi tới. Lừng lững đi tới. Mọi ngả. Mọi cách. Quy luật này từng được đồng bào ta từ thời Lạc Long-Âu Cơ gọi là Lịch Sử.

1992. Dấu chàng theo lớp mây đưa...
Người KCQ mang bí số 250 đưa bạn Khải đến thăm dòng sông chỗ vượt. Ngồi vào chỗ Khải từng ngồi trên chiếc bè làm quán. Gọi lại món Khải từng gọi trước lúc lên đường chặng cuối. 250 kể chuyện Khải bị vật vì sốt rét. Kể chuyện tô mì gói và điếu thuốc rê. Bạn Khải lặng người. Rồi cùng với một số bạn khác quyết định nối gót. Mở đường khác. Lập nhánh khác. Nối dây khác. Cách mạng đường dài. Người đi như con nước miệt mài...

Những dây nối bắt vào phía Nam Trường Sơn, với những con người tự trọng không chờ người khác suy nghĩ giúp, từ Củ Chi, Sài Gòn, lên Đà Lạt, ra tận Hà Nội, Hải Phòng...

Lịch sử mai mối những hẹn hò sĩ phu gặp gỡ tay đôi ở Hương Cảng, ở Vọng Các, ở Sydney... và ở giữa lòng Sài Gòn, Hà Nội... Lịch sử chỉ lối cho những KCQ vượt tù. Lịch sử khuyến khích các KCQ nội thành phát triển người mới. Lịch sử giới thiệu những Linh mục, những Hòa thượng, những Truyền giáo, những Chức sắc Cao Đài, Hòa Hảo... Lịch sử mở đường tiếp cận với nhiều tập thể tuổi trẻ ở Hán Thành, ở Đài Bắc, ở Johor, ở Tân Gia Ba, ở Paris, ở Boston, ở Toronto, ở Brisbane, ở Melbourne, ở Wellington... Nhiều người lừng lững trở về từ nhiều ngả. Những con nước vẫn miệt mài. Lịch sử còn mở đường cho phóng viên ABC của Úc, LA Times của Mỹ, TV2 của Na Uy... vào Việt Nam để gặp tận mặt, bắt tận tay những con người lịch sử. Lịch sử mời cả CNN qua Bá Linh thu hình phóng sự....

2007. Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao...
Cuộc đấu tranh đã lật sang trang khác. Lịch sử tạm gác quá khứ và hoàn cảnh sang bên. Chỉ nhắm vào mục tiêu thống nhất trước mặt. Phương hướng và phương pháp dựa trên sở trường của từng nhóm. Đồng hành hoặc song hành. Cộng tác hay hợp tác... Lịch sử tuần tự cột gút lại thành những liên kết, liên minh, liên đảng. Cuộc đấu tranh đang bước lên một tầm vóc mới.

con đường chông gai không bao giờ khó
là bởi vì ta chấp nhận nguy nan
này anh em ơi
ta là người kháng chiến quân Việt Nam
thề mai sau quyết tâm xây lại tự do
góp sức chung lo vun sới giữ gìn
cho khắp nơi nuớc Nam vui bình yên
dân tộc ta sống trong hùng cường.
(KCQ Hành Khúc – 1982)

Hãy đi. Sẽ tới. Ngày sẽ tới. Đêm sẽ reo vui. Sáng và êm như trăng thanh bình.

Anh em không nhớ tay đàn độc cô cầu bại Trần Thiện Khải. Anh em không nhớ sinh viên Khải. Anh em không nhớ Thiếu úy Khải. Anh em không nhớ Kỹ sư Khải. Trong lòng anh em chỉ còn mỗi mình Kháng chiến quân Trần Thiện Khải.

Cả đời Khải đã trải qua biết bao con trăng. Trăng Trung Thu ở Phan Thiết. Trăng mùa Phật đản ở Vĩnh Nghiêm. Trăng dát vàng trên sóng lúc ôm đàn trước công viên Thánh Tổ nhìn ra Hòn Tre. Trăng treo đỉnh núi trong những chuyến hải hành đêm. Trăng dát bạc trên tuyết ở Rhode Island. Trăng rừng chiến khu lung linh trên ngọn bằng lăng có chắp thêm đoạn tre già làm trụ ăng ten của đài Việt Nam Kháng Chiến...

Đối với tất cả anh em quen biết, chỉ còn đáng nhớ độc nhất một vầng trăng: Trăng Khải.

Đã đi. Sẽ tới. Đã nhắm hướng Đông. Sẽ gặp Khải ỏ đó. Trong ánh mắt sáng, trong nụ cười tươi, của đồng bào cả nước, Khải ơi.

(Mùa Phật Đản 2551)

Chú thích: Tất cả lời nhạc in chữ nghiêng trong bài đều được trích từ tập nhạc Trăng Chiến Khu của KCQ Trần Thiện Khải.


Bao Công Vùng IV



Nguyễn Sáng Chiếu và tôi từng là đôi bạn cặp kè từ những ngày đầu trung học. Cả hai có một điểm giống nhau là sinh quán tại Sài Gòn, nhưng lại về tỉnh sống với ông bà Ngoại, chờ những dịp bãi trường mới về thủ đô thăm nhà. Ngay vào những dịp đó, chúng tôi cũng phóng xe qua lại với nhau. Cả hai gia đình đều coi chúng tôi là con. Nhờ đó mà tôi được biết đến một Bao Công thời đại, và sự tiếp xúc đó đã ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của chính tôi về sau này. Đó là Đại Tá Quân Pháp Nguyễn Văn Chiếu, Chánh Thẩm Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Vùng IV Chiến Thuật, kiêm Đại Biểu Chính Phủ Vùng IV, và là ông thân của Nguyễn Sáng Chiếu.

Những lần qua Thị Nghè thăm bạn, thi thoảng lắm tôi mới gặp được bác. Phần lớn thì giờ ngoài nhiệm sở của bác (lúc làm việc ở Nha Quân Pháp) là …ở trường Luật. Bác đã đậu mấy bằng Luật rồi mà vẫn ghi danh học nữa, học hoài. Còn nhớ, trước đận Mậu Thân (tức là bọn tôi chưa xong trung học đệ nhất cấp), có lần tôi đánh bạo hỏi bác: “Dạ bác lớn tuổi rồi, không bao lâu nữa là giải ngũ, về hưu, mà cháu thấy bác lúc nào cũng học…, để chi vậy?”. Bác cười cười: “Cốt yếu của sự học không phải để lấy bằng hay lên lon lên chức, mà là để mở rộng kiến thức cho việc phán đoán chuẩn mực và hành xử đúng đắn mỗi ngày. Nếu đã tính như vậy thì sự học biết bao giờ là dứt? Riêng gia đình bác thì đông con lắm, bác còn một điểm phụ nữa là học để làm gương cho mấy đứa nhỏ”. Chết chưa! Nghe mà toát mồ hôi! Tôi chỉ hỏi một câu tò mò đơn giản bằng hòn sỏi, lại nhận được một bài học để đời to như trái núi.

Tôi quay về Sài Gòn từ đầu năm đệ tam. Chiếu cũng phải về Sài Gòn sau tú tài đôi. Chiếu vào Khoa Học, còn tôi vào Luật khoa. Cả hai qua lại với nhau hàng tuần, nhưng ít khi tôi gặp bác, về sau mới biết dạo đó bác bận túi bụi với những phiên tòa xét xử tù binh Việt cộng đến chật cả trại Phú Quốc.

Cuối năm đó tôi quyết định gia nhập Hải Quân, dù vẫn còn tuổi hoãn dịch hai năm vì lý do học vấn. Tôi mặc bộ khaki quân sự học đường, giắt bàn chải và thỏi kem đánh răng vô túi, rồi lén đợi má tôi dọn hàng ra bán ngoài trường học, mới yên tâm lên “thưa chuyện” với ba tôi. Là bởi tôi sợ má tôi sẽ òa khóc khi nghe tôi đăng lính vào lúc tin chiến sự dồn dập dội về Sài Gòn hàng ngày. Ba tôi không ngạc nhiên mấy. Ông chỉ dặn tôi mỗi điều đơn giản: “Đây là lúc khởi đầu của những quyết định của con về đời sống và lẽ sống của chính con, trong đó sẽ có cả những quyết định ảnh hưởng đến sinh mạng và gia đình người khác. Phải luôn nhớ đến trách nhiệm đó và cân nhắc thật kỹ cho từng quyết định”. Ông bảo tôi đến thắp hương trước bàn thờ Ông Bà trước khi rời nhà. Bà chị tôi sụt sùi lột cho sợi dây chuyền mỏng teng, gọi là để phòng hờ những lúc đói bụng hết tiền, lại dúi thêm cho chai dầu Nhị Thiên Đường còn lưng nửa, phòng khi gió máy. Cứ thế, tôi đeo xe buýt ra bến Bạch Đằng, với một đinh ninh chắc nịch rằng mọi việc sinh hoạt đã có quân đội lo cho từ đây.

Sau một loạt thủ tục hành chánh dò giấy tờ, lấy số quân, khám sức khỏe…, các tân binh thường phục ở đây được hai đàn anh (về sau biết ra là niên trưởng Văn Inh & Lý Tỷ khóa 21) hướng dẫn một số động tác thao diễn cơ bản, xong rồi bảo: “Về đi, mai gặp lại”. Chết chưa! Về đâu bây giờ, khi mà tôi không dám nhìn má tôi khóc? Bèn thả bộ dọc theo Hải Quân Công Xưởng, qua Thảo Cầm Viên, rồi tự nhiên qua Thị Nghè, nhà Chiếu. Tôi biết là hai bác không ngại cho tôi tá túc ít lâu, cho tới khi nhập trại. Thế là Chiếu với tôi kéo nhau ra café Lú nghe nhạc, tán gẫu chuyện trên trời dưới đất, từ Mỹ Tho lên tới Sài Gòn. Tới tối, tôi nghe tiếng má của Chiếu sụt sùi. Thì ra hắn vừa mới “thưa chuyện” với ba má để đăng lính. Cái này mới là chết giấc bình phương: Thứ nhất là tôi về đây xin tạm trú vì không dám về nhà mình, mới nảy sinh ra trường hợp Chiếu cũng đòi đăng lính. Thứ hai là tôi không dám nhìn má tôi khóc, nhưng bây giờ đang nghe má của bạn mình khóc. Tôi nợ bác gái một món nợ suốt đời không trả nổi. Vì rằng bà đã có một số dự định về tương lai của Chiếu, là qua trung gian của người dượng của Chiếu là Tùy viên Quân sự Tòa đại sứ Việt Nam ở Tunisie, Chiếu sẽ qua Tunisie rồi qua Pháp để theo học ngành Y. Trong lúc đó, ý kiến của bác trai thì khác hẳn: Việc gì phải đi Tây? Nó sinh ra ở đây thì phải làm đủ bổn phận ở đây cái đã! Còn muốn học ngành Y thì nhà mình đâu thiếu gì bạn quen để giới thiệu cho nó vào …Quân Y? Thế là bác gái càng tức tưởi hơn….

Rốt cục, sáng hôm sau, một tân binh đèo một chuẩn tân binh vào Bạch Đằng (vì đã biết là có thể gửi xe và giữa trưa là bị đuổi về). Chiếu cũng trải qua những thủ tục y chang như tôi vừa mới làm ngày hôm qua, số quân hai đứa chỉ cách nhau một con số.

Sau đó một thời gian, đám tân binh đợt chót của khóa 24 được tải ra Cam Ranh, bằng dương vận hạm, để thụ huấn căn bản quân sự đặc thù hải quân, thay cho các chương trình tổng quát ở Quang Trung như các đợt trước đó. Nếu các quân trường đều tập trung ở Cam Ranh thì chắc là chẳng mấy ai ngại đi lính. Ở đó chỉ có trời, biển và bạn bè. Các tour du lịch tân kỳ ngày nay cũng chỉ mong đạt được ngần đó cho du khách. Nha Trang nhộn nhịp hơn, nhưng hoàn toàn thiếu cái riêng tư một cõi của Cam Ranh. Rồi cả khóa đón đàn em, xây tượng đài Thánh Tổ, về Sài Gòn diễn hành 19/6, và ra trường.



Chiếu về Hải Đội III, bên cạnh Bộ Tư Lệnh Vùng III Duyên Hải, Cát Lở, Vũng Tàu. Tôi về Duyên đoàn 34, viết tắt là ZĐ34, trấn thủ cửa sông Hàm Luông, là đơn vị gần nhất với hắn mà tôi còn có thể chọn. Về mặt công tác, ZĐ34 trực thuộc Vùng III Duyên Hải. Nhưng về mặt địa dư, ZĐ34 nằm trên lãnh thổ của Chi khu Ba Tri (quê quán cụ Đồ Chiểu), thuộc Tiểu khu Kiến Hòa, Vùng VI chiến thuật, và do đó, kiêm nhiệm luôn cả các hoạt động yểm trợ cho các đồn Địa Phương Quân nằm sát mặt sông trong vùng này.

Có 2 ngả để về tới đây từ Sài Gòn: Thứ nhất là ra trình diện ở Cát Lở và chờ đến khi có chuyến Ferro-Cement của ZĐ lên Cát Lở công tác, hoặc có khi may thì quá giang được chuyến PCF nào đó của Cát Lở đi công tác xuống cửa Hàm Luông hoặc Cổ Chiên, Ba Động, rồi “nhảy ghe” về ZĐ. Thứ nhì là đi xe đò về Mỹ Tho, qua phà Rạch Miễu, sang xe lam về chợ Bến Tre, nhảy xe lôi đi tới phà Chẹt Sậy, đón xe đò chợ chạy ngang Giồng Trôm về quận Ba Tri, rồi đeo xe lam lần nữa để về xã Tân Thủy, ấp Tiệm Tôm, là nơi đóng quân.

Tôi tân đáo đơn vị bằng ngả thứ nhì. Và ngay trên đường trình diện đã học được lắm điều về quê hương và con người, bằng chính cảm xúc tại chỗ, mà có lẽ không một bài học chiến tranh chính trị nào có thể cung ứng được.

Phà Chẹt Sậy là giải pháp tình thế cho bà con hai bên sông có thể qua lại, sau khi cộng quân giật sập cây cầu sắt Chẹt Sậy, không phải bằng mìn, mà bằng hàng trăm thân dừa cột lại thành bó, được chặt dây thả trôi vào lúc nước ròng chảy xiết xuống nhanh nhất. Lúc xe lôi buông khách ở bến phà, bỗng dưng có một đám con nít tự chọn lấy khách, xà tới, xin vác mướn hành lý xuống phà cho khách.

Thằng bé gầy còm đến nài nỉ tôi không bằng lời mà bằng ánh mắt và bằng ngón tay chỉ vào cái túi nhà binh nhét đầy sách, to và có thể nặng gấp hai lần chính nó. Tôi buông cái túi xuống đất, ngồi lên đó, chừa chỗ và ra dấu cho nó ngồi xuống bên cạnh, xong châm thuốc rồi tò mò hỏi thăm thằng bé: Em còn đi học không? Dạ, thôi rồi! Sao vậy? Dạ, chưa có cô giáo mới! Trường em ở gần đây không? Dạ, kia kìa! Tôi nhìn theo ngón tay của nó thì thấy xa xa hình dáng của một dãy nhà tôn chừng ba gian, tất cả đều thủng như một chiếc rỗ úp. Tôi rít đến cháy cạnh điếu thuốc mà vẫn không ngăn được nỗi xúc động, và chưa bao giờ dám mở miệng hỏi thêm câu kế chực trào ra: Còn cô giáo cũ của em đâu?

Tôi biếu tặng thằng bé một ít tiền, tương đương với giá chai bia mà tôi sẽ nhịn, rồi vác túi xuống phà. Phà là một chiếc bè nổi dính chặt vào hai sợi cáp nối vào hai bờ sông. Sợi cáp thấp sát thân bè là trục dây dùng để giữ cho bè không bị trôi theo con nước lớn ròng, thường cong như một cánh cung. Còn sợi cáp trên cao là trục dây dùng để “bẫy” chiếc bè sang bờ bên kia: Khoảng sáu bảy nhân công (chắc là nông dân ngoài vụ mùa) cầm tay những thanh sắt móc vào dây cáp, bấu chân xuống sàn bè mà vận sức bước tới, để đạp cho chiếc bè chạy lui sang bờ bên kia. Người nào đi tới cuối bè thì tháo móc sắt, sắp hàng ngược lại từ đầu bè, rồi bẫy tiếp. Cứ vậy, họ vận chuyển cả xe xăng, xe hàng qua lại con sông bị gãy một nhịp cầu. Tất nhiên là xe cứu thương và xe nhà binh là được ưu tiên vào mọi lúc. Chẳng ai rõ là trong lúc vận sức đẩy bè, họ có nghĩ đến, hay nghĩ gì về những tay phá hoại đánh sập cầu để làm khổ dân nhiều hơn khổ lính như thế này không?

Tới chừng về đến đơn vị, tôi mới được tiếp xúc, gần gủi với rất nhiều nông dân và những đứa bé nhà quê như vừa kể. Và mới tá hỏa ra rằng cái trách vụ sĩ quan chiến tranh chính trị mà các đơn vị thường mặc nhiên giao phó cho những tay mới ra trường (theo thói quen và không thắc mắc) như vầy …quả là một lỗ hổng không phải nhỏ.

Những thằng Đực, con Hường… ở đây không có thì giờ đánh bi-da hay làm điệu. Buổi tối, dưới những ngọn đèn tù mù, tụi nó vừa học bài vừa thắt những sợi dây câu dài cả cây số, xong móc mồi rồi thả xuồng ra giăng dọc theo bờ sông trước khi rửa chân đi ngủ. Buổi sáng, đứa thì đi gỡ dây câu, rộng tôm cá; đứa thì vớt bèo, xắt chuối cây, nấu một nồi cám thật to, để nguội cho đàn heo, xong mới cột túm vạt áo dài, xách dép lội ruộng ra đường cái đón xe bò chở hành ra chợ quận để quá giang tới trường. Cái học ở đây được mọi người cùng hiểu ngầm với nhau và như nhau là để tính tiền cho khỏi lộn, vậy thôi. Có muốn mở rộng chân trời kiến thức hay chút hy vọng gì cho chúng nó, ắt hẳn không thể bằng kiểu bài bản sư phạm chúng đã từng nghe ở trường, mà phải bằng những câu chuyện kể dây dưa, sao cho tụi nó phải hỏi tới, hỏi tới…

Những bác Ba Trừ, những chú Tư Đáng… ở đây cũng vậy, sống và suy nghĩ rất đơn giản. Họ đạp xe tới cây cầu khỉ bắc qua mương lạch, tự động kê vai gánh cái đòn dông xe đạp qua bên kia cầu, thả xe xuống rồi leo lên đạp tiếp, mà không cần nghĩ đến chuyện thay sửa cây cầu, nói gì những chuyện lớn hơn, phức tạp hơn, như chủ nghĩa hay chính trị chẳng hạn. Họ không nắm vững nguyên ủy của cuộc chiến, lại càng không thấy có trách nhiệm gì với cuộc chiến, vì nghe đâu đã có quân đội …nhận sự ủy thác về trách nhiệm đó rồi. Họ sống, phán đoán và hành xử theo cảm tính và cảm tình nhiều hơn là lý luận. Ngược lại, tâm lý chiến của ta, xuất phát từ thành thị, không có gì nhiều hơn những bài ca Chính Huấn chỉ nhằm làm cho lính lên tinh thần, chứ không phải để thuyết phục dân chúng rằng chính nghĩa thuộc về ta.

Các bác Ba Trừ, chú Tư Đáng… ưa vọng cổ hơn mấy bài chính huấn. Hễ chuyến cào nào có con đuối đen hay con chình, con lịch, là thế nào họ cũng kéo vài ba chai đế với cây cò cây nhị ra mà vui vẻ với nhau. Đây lại là sinh quán và mộ phần của cụ Đồ Chiểu nữa, thành ra tới gần với nông dân ở đây bằng 6 câu Lục Vân Tiên qua những ly đế pha nước dừa này dễ ăn hơn là …Trên đầu súng quê hương tổ quốc đã vươn mình.



Rồi… nhân dịp vui vẻ này mà xin mấy bác đốn cho vài cây dừa để thay mấy cây cầu khỉ, về ZĐ xin vài tấm vỉ sắt thả lên mấy thân dừa cặp đôi, vậy là các bác các chú phon phon phóng xe qua cầu mà không cần phải cõng xe như trước nữa. “Thằng này mới về đây mà coi bộ… biết điều, chơi điệu!”. Không đòi gả con gái cho nó cũng uổng? Cái đó mới chính thực là bằng chiến tranh chính trị do dân cấp cho.

Ngược lại, đó cũng là lúc chính tôi nhận chân ra sự khác biệt giữa tình yêu nước mơ hồ so với lòng thương dân và được dân thương ngay trước mặt. Đối với mấy ông già bạn đế này thì trong ZĐ không có cấp bực gì ráo. Trừ một người họ gọi là “ông Trưởng” ra thôi, còn lại đều là thằng tuốt luốt. Nhưng tới khi mấy ổng thương rồi thì tin tức tình báo tràn về không kịp nhớ: Khi nào “nó” về, về mấy đứa, súng ống ra sao, nó về ngả nào, đi ngả nào, có thu “thuế” hay không, chận đường nào và vào lúc nào thì lấy được cùi thuế v.v….

Các toán trực của ZĐ, từ đó, ngoài nhiệm vụ chính là tuần tiễu cửa sông và đổi quân định kỳ cho các đồn địa phương quân, còn gia tăng một sinh hoạt bất thường nữa là thả ghe cây Yabuta vô rạch ..đi kích đêm. Ngầu nhất trong đám kích đêm này là toán của Trung úy Nguyễn Hữu Khiêm “Khàn” (khóa 19) và Thiếu úy Lê Bá Thạch (khóa 23, chiến sĩ xuất sắc đi Đài Loan vào cuối năm 1973).

Thỉnh thoảng, Đại úy Du (khóa 15), Chỉ huy trưởng ZĐ, cũng thả quân đi kích. Có lần ông dứt điểm hai cộng quân với cùi “thuế” thu tiền của dân, kèm theo 1 mã tấu và 1 súng ngắn K-54. Bản báo cáo theo ngả Hải quân không có gì trở ngại. Chỉ rắc rối là từ bản báo cáo theo ngả Chi khu lên Tiểu khu rồi về Quân đoàn VI. Viên Thiếu tá Phượng Hoàng của chi khu không chứng nhận đó là hai cộng quân, chỉ vì lý do đơn giản là Đại úy Du không biết nhậu, và không “biết điều” (chia tiền “thuế” tịch thu của địch, thay vì gửi hết về Vùng III Duyên Hải). Điều đó (không được chi khu chứng nhận) có nghĩa là Đại úy Du bắn lầm dân và ngụy tạo tang chứng!

Dò hỏi ra mới biết là viên Thiếu tá Phượng Hoàng còn xúi thân nhân của địch đi kiện ZĐ, hồ sơ kiện tụng sẽ chuyển về Tòa án Quân sự Cần Thơ. Tôi nghĩ đến bác Chiếu, và đề nghị với Chỉ huy trưởng cho tôi lo chận vụ này. Đại úy Du bắt tôi phải lên trình diện Tư Lệnh Vũ Đình Đào, để trình bày mọi chuyện và nhận thêm chỉ thị của thượng cấp. Tôi trình diện Phó đề đốc Đào cả thảy hai lần. Lần trước là bởi bài báo (về hệ thống bổ nhiệm sĩ quan chiến tranh chính trị) tôi gửi đặc san Lướt Sóng không đăng, lại đề nghị ngược là tôi cần trình bày thẳng cho Tư Lệnh Vùng để trực tiếp giải quyết. Lần này là để Tướng Đào cấp sự vụ lệnh cho tôi đi Cần Thơ, kèm theo một lá thư tay kính gửi Đại tá Quân Pháp Nguyễn Văn Chiếu.

Trên đường đi, tôi cố gắng sắp xếp câu chuyện trong đầu để có thể kể mạch lạc cho bác Chiếu nắm rõ về mối tương quan không mấy thuận thảo giữa ZĐ với bên Phượng Hoàng của Chi khu, bởi tôi biết rằng chỉ có cơ hội lần này là duy nhất. Điều này làm tôi nhớ lại lần ra tòa “bào chữa” cho bạn Bảo Sự, hồi cuối năm sinh viên alpha, trước khi nhận đàn em 25. Lần đó, tôi đã cố khơi hết mọi điểm có thể sử dụng được trước phiên tòa của trường, để cãi cho bạn, nhưng không thành công đối với trường hợp của Bảo Sự. Lần này, tôi biết là mình có nhiều lợi thế hơn.

Bác Chiếu đón tôi sau giờ làm việc. Thành ra tôi không biết khung cảnh của tòa án hay văn phòng của bác như thế nào. Chỉ biết chỗ ở của bác là một căn trong dãy nhà xe đàng sau tòa án, ngay kế bên là căn của người thượng sĩ tài xế kiêm “bếp trưởng”. Phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ của bác dính liền nhau và không có vách ngăn. Phần lớn bàn ghế làm bằng tre hoặc mây. Trên cái bàn vuông của “phòng khách” có một chậu thủy tinh tròn thật to, giống như một bồn nuôi cá cảnh, nhưng chính ra là bồn nuôi con giấm, dưới đáy bồn còn nguyên một trái chuối xiêm chín rục. Hai bác cháu và người thượng sĩ tài xế của bác cùng ăn cơm chiều với nhau: gà kho xả ớt, dưa leo, và canh rau má nấu tôm khô. Món tráng miệng là chuối khô với nước trà. Sau bữa cơm, tôi nói chuyện về ZĐ34 với bác tới khuya, cho tới khi người thượng sĩ tài xế của bác qua giăng mùng cho tôi ngủ tạm trên cái phản tre lót đệm. Sáng hôm sau chia tay. Bác dặn tôi về nói lại với Đại úy Du là bác đã hiểu chuyện, rất thích những anh em đánh giặc “tới nơi tới chốn” và không chơi trò “lót tay” trong quân đội; bác sẽ đợi coi hồ sơ và sẽ có những thủ tục thích ứng đối với bên nguyên để khiến họ phải tự ý bãi nại, sau đó, nếu Đại úy Du có muốn kiện ngược lại bên Phượng Hoàng thì sẽ tính sau.

Tôi đón xe đò quay về lại nhiệm sở ngay hôm đó với lời nhắn của bác Chiếu. Tuần sau, Đại úy Du rủ tôi đi Cần Thơ. Ông muốn tự tay mang một cặp Cognac đến cảm tạ ông Đại Tá Quân Pháp. Tôi bàn ngang: thứ nhất là bác ấy không uống rượu, thứ hai là ngay cả người nhà từ dưới quê đến thăm mà xách gà với cam lên biếu là bác không tiếp. Đại úy Du bảo cứ đi, nhận hay không là chuyện của ổng, còn phần cảm tạ không thể thiếu là việc của mình. Lần này chúng tôi đi bằng xe Jeep của ZĐ.

Bác Chiếu tiếp chúng tôi cũng sau giờ làm việc, vẫn tại dãy nhà xe đàng sau tòa án. Ông bảo: Ông đại úy đã có công mang quà từ xa về biếu, tôi không nhận thì phụ lòng ông, mà nhận thì không đúng nguyên tắc của chính tôi. Thôi thì để được cả hai, tôi xin nhận nhưng không dùng. Nói xong, ông mở nắp cả hai chai Cognac, và rót cùng lúc vào bồn nuôi giấm đặt trên bàn phòng khách. Tay hạ sĩ nhất tài xế của Đại úy Du đứng nhìn, tròn xoe cặp mắt và nuốt nước bọt đánh ực.

Ngay vào lúc đó, tôi mói cảm ra được giá trị của những chiến công thắng giặc và chiến thắng chính mình còn khó hơn thắng giặc. Tôi biết là tôi đang đứng trước một anh hùng đã đạt mức tự thắng, mà theo nhà Phật gọi là hạnh Bồ Tát.

Sau đó, bác Chiếu có đôi lời ngợi ca tinh thần đánh giặc của anh em ZĐ trước khi tiễn khách, nói rất tiếc là nơi ở chật hẹp không thể giữ khách qua đêm. Chúng tôi ra Cần Thơ tìm chỗ trọ. Chiều đó, Đại úy Du đãi tôi một chầu bánh cóng rượu nếp than ngay bến Ninh Kiều. Ông bảo là nhờ không nghe lời bàn ngang của tôi mà được gặp một con người thật đáng kính phục. Giữa năm 1974, Đại úy Du rửa lon Thiếu tá, và cưới vợ. Giữa năm 1975, Thiếu tá Du quyết định ở lại Việt Nam, vì còn mẹ già ở Sài Gòn. Ông không được ở gần mẹ, mà phải vào tù cải tạo.



Bác Chiếu cũng đi tù cải tạo. Ông bị đày qua nhiều trại tù Bắc Việt trong 13 năm liền, vì lý do đã xét xử quá nhiều (trên 3000) tù binh Việt cộng ở Vùng IV.

Sau này, khi cả nhà bác sang Mỹ theo diện HO, tôi ghé thăm bác, mới hay là trong tù, bác đã học thêm tiếng Nga, và đã tự dịch một số sách Nga.

Với tôi, bác vẫn là một anh hùng như ngày nào: Kẻ địch đã đánh những đòn thù chí mạng, nhưng bác vẫn lấy sự học làm thuốc để an lành ngẩng mặt ra khỏi những trại tù khắc nghiệt nhất Việt Nam, và có thể là thuộc hàng đứng đầu thế giới.

Bác chăm sóc bác gái (bị tai biến mạch máu não và bán thân bất toại) tại một y viện ở Mankato, Minnesota, cho tới lúc cả hai bác cùng về nước Chúa. Nhưng hình ảnh anh hùng của bác, từ trước và sau năm 1975, vẫn đọng lại trong trí tôi, mãi mãi.

Lương Văn Mỹ

Nói vui về Opera House Sydney




Có thể bạn đã biết...

Bằng kiến trúc độc đáo hình con thuyền với những cánh buồm no gió đang vươn mình ra khơi, Nhà Hát Opera Sydney không chỉ là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng mạnh mẽ của thế giới hiện đại mà còn là niềm tự hào của người dân Australia. Từ 233 bản vẽ được gửi đến, cuối cùng ban giám khảo đã lựa chọn một thiết kế đầy táo bạo, độc đáo của kiến trúc sư người Đan Mạch Joern Utzon.

Nhìn thoáng, Opera Sydney được nhiều người cảm ngay với những mái hình vỏ sò, nên thường được gọi nôm na là nhà hát con sò. Tuy nhiên, người kiến trúc sư trưởng công trình này khẳng định đường nét chính định hình cho nó là hình ảnh một con thuyền vĩ đại với những cánh buồm no gió đang vươn mình ra khơi.

Được chính thức khánh thành vào ngày 20/10/1973, nhà hát Opera Sydney ngay lập tức đã trở thành một trong những khu biểu diễn nghệ thuật ấn tượng nhất nhì thế giới, bên cạnh con số hơn 10 triệu du khách thăm viếng hàng năm.



Nếu chưa quên Đệ Nhị Song Ngư ra khơi vào tháng 9/1973, bạn dễ dàng liên tưởng (dù không thiếu phần bắt quàng hay chủ quan), rằng, những cánh buồm no gió nọ của Opera House Sydney xuất hiện ngay vào tháng kế tiếp bỗng dưng mang một ý nghĩa chúc mừng không kém phần long trọng đối với khóa 24.

Không vui sao được, hè ? 🤣

24 Lương Văn Mỹ

Đại Hội 50 năm Ra Khơi K24 SQHQ NT Hải Hành Trên Du Thuyền September 2023